Trong ánh nến lung linh tại khán phòng quán cà phê LAIKA (Khu đô thị hồ Xương Rồng, TP. Thái Nguyên), từng giọt cà phê tí tách rơi hòa trong tiếng nhạc, lời ca, nhưng vẫn đủ sự lắng đọng để “Trịnh khách” thổn thức về miền xa nhớ - nhớ về cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, sau gần 24 năm ông rời cõi tạm trong Đêm nhạc Trịnh vừa được tổ chức.
Đêm nhạc Trịnh. |
Hơn 10 ca khúc của ông đã được các nghệ sĩ thế hệ 8X, 9X thể hiện với phong cách mới mẻ, trẻ trung nhưng vẫn không làm mất đi cái “chất” của nhạc Trịnh. Đây là lần đầu tiên một quán cà phê trên mảnh đất chè Thái Nguyên “mạnh dạn” tổ chức “Đêm nhạc Trịnh”, bởi những tác phẩm của Trịnh Công Sơn khá kén người nghe và không phải ca sĩ nào cũng có thể hát hay, hát đúng “chất” loại nhạc này. Nhưng LAIKA đã tổ chức và thành công, khi khán phòng có sức chứa hơn 200 khách không còn ghế trống.
“Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động/ Làm sao em biết bia đá không đau? Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm Xưa)… Lòng người rưng rưng khi những ca từ như chắt lọc từ trái tim, hơi thở, tâm hồn nhạc sĩ, giờ lại được cất lên vang vọng cả khán phòng, khiến người nghe rưng rưng xúc động thầm tự răn mình sống tốt hơn, gần gũi, yêu thương nhau nhiều hơn… bởi một điều thật giản dị nhưng chất chứa nhân sinh quan về tình người: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.
Trước khi về chốn thiên thu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời hơn 600 bản tình ca với nhiều thể loại khác nhau, nhưng chủ yếu dòng nhạc nhẹ trữ tình lãng mạn. Những bài ca do ông sáng tác phần lớn xoáy sâu vào thân phận con người, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu Tổ quốc… khiến người nghe ít, nhiều như thấy có nỗi niềm, tâm tư của mình trong đó. Bà Phạm Thị Mơ (phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên), người nghe nhạc nhận xét: Nghe nhạc Trịnh khiến người ta sống chậm lại, nhân ái hơn, ngẫm nghĩ việc mình làm để sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn... Mỗi bài hát là một câu chuyện của tình đời. Chính vì thế trong những quán cà phê, hay góc phố, người ta vẫn nghe nhạc Trịnh, nghe để ngẫm về cuộc đời.
Trưởng Ban nhạc Rubik Phạm Tuấn Ngọc (bên trái). |
Nhân tố quyết định thành công Đêm nhạc Trịnh ở LAIKA chính là Ban nhạc Rubik, lần đầu tiên tổ chức với quy mô và tính chuyên nghiệp cao. Những nhạc công thế hệ trẻ đã làm chủ sân khấu với đàn violin, ghi ta, piano, trống… tạo nên những bản phối vừa có nét tươi mới, lãng đãng nhưng không làm mất đi sự sâu sắc trong triết lý nhân sinh của nhạc Trịnh.
Anh Phạm Tuấn Ngọc: Có lẽ, tôi may mắn được thừa hưởng gen di truyền từ bố mẹ. Mẹ tôi từng là giáo viên dạy âm nhạc. Từ nhỏ, tôi đã có niềm đam mê với âm nhạc. Năm 2016, tôi cùng với một số người bạn thành lập Ban nhạc Rubik. Hiện, Ban nhạc có gần 30 thành viên, trung bình 1 tuần, chúng tôi đi biểu diễn khoảng 5-6 chương trình, trong đó có cả những chương trình tôi đã vinh dự được đoàn Thái Nguyên mời tham gia, như: Cuộc thi hòa tấu và độc tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023; Cuộc thi hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 2023; Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015…
- Đánh nhạc và hát nhạc Trịnh không dễ, tại sao anh vẫn nhận lời làm chương trình này cho LAIKA? - Tôi hỏi.
- Âm nhạc là không có biên giới, càng không thể bị trói buộc bởi bất kỳ một giới hạn nào. Cái gì càng khó, càng phải thử sức và kiên trì tập luyện đến độ nhuần nhuyễn để chuyển tải đến người nghe những tác phẩm âm nhạc trọn vẹn, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của khán giả. Nhạc Trịnh từ lâu đã thở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người, nhiều gia đình, nhất là các thế hệ như bố mẹ tôi. Nếu chúng tôi có thể làm cho giới trẻ Thái Nguyên cũng yêu thích nhạc Trịnh, thêm yêu nhạc trịnh, hát và nghe nhạc Trịnh… thì đó là thành công và may mắn lớn lao đối với Ban nhạc Rubik.
Trong đêm nhạc, Phạm Tuấn Ngọc đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc bởi thần thái của người “nhạc trưởng” sinh năm 1995, khi anh có thể chơi 3 loại đàn guitar (thùng, điện, bass) và cả những ý tưởng về âm nhạc mà anh đã giãi bày, trong đó có nhạc Trịnh. Ngoài thời gian đi biểu diễn, anh còn dành thời gian sản xuất âm nhạc. Năm 2020, Phạm Tuấn Ngọc đã đạt danh hiệu Nghệ sĩ triển vọng nhất tại Cuộc thi Guitar Plus Music Contest.
Đêm nhạc Trịnh đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn đó, một “bữa tiệc âm nhạc” đủ để cho người nghe cảm nhận hương vị riêng có và hoài mong. Tôi xin mượn chính câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để kết thúc cho bài viết này “Tất cả mội điều rồi sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi”…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin