Trong thế giới phẳng hiện nay, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho công dân trên toàn cầu. Tuy nhiên phía sau mặt tích cực của hội nhập là một thách thức lớn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Để không bị chi phối bởi “dòng” văn hóa ngoại lai, đặc biệt là các trào lưu văn hóa “độc hại” thâm nhập vào cộng đồng dân cư, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều quan tâm tới công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.
Đồng bào người Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh luôn coi trọng gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. |
Không để bản sắc văn hóa bị lu mờ
Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên có nhiều đột phá về phát triển kinh tế - văn hóa xã hội. Nhiều khu công nghiệp mới được xây dựng chào đón doanh nhân trong, ngoài nước đến hợp tác, phát triển. Đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao. Cư dân các vùng đô thị và nông thôn không còn chênh lệch nhiều về thu nhập cũng như mức hưởng thụ văn hóa tinh thần.
Nhịp sống hiện đại mở ra cơ hội giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong, ngoài tỉnh và với các dân tộc trên thế giới. Nhưng, trong quá trình giao lưu trao đổi, bên cạnh các hoạt động văn hóa lành mạnh không tránh khỏi những “luồng văn hóa độc hại”; trào lưu “sính” văn hóa ngoại xâm nhập vào đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc, nhất là với giới trẻ. Một khó khăn đặt ra là phải làm như thế nào để trong quá trình hội nhập, bản sắc văn hóa riêng biệt của từng dân tộc không bị biến dạng, lu mờ.
Tháng 12-2023, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ nhạc cụ, trang phục truyền thống cho 3 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ của đồng bào các dân tộc Dao, Sán Dìu, Ngái, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 300 triệu đồng. |
Hiện nay, trên địa bàn của tỉnh có 51 dân tộc. Các dân tộc sở hữu một kho tàng văn hóa, nghệ thuật to lớn, với hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể, như: nghi lễ cấp sắc của dân tộc Nùng; múa tắc sình của dân tộc Sán Chay; hát sấng cọ của dân tộc Sán Chí; nghệ thuật khèn của dân tộc Mông; hát then đàn tính của dân tộc Tày. Mới đây, ngày 21/2/2024, “Hát ví của người Tày” và “Tiếng nói, chữ viết” cùng “Nghệ thuật may, thêu trang phục của người Dao” được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã có 22 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Những di sản mang bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt giống như tấm “căn cước” đại diện cho một dân tộc. Bởi những bản sắc văn hóa ấy từng được các dân tộc gìn giữ, trao truyền qua ngàn đời. Ngay cả các lễ hội được cộng đồng dân cư tổ chức hằng năm như: Lễ hội Núi Văn - Núi Võ (Đại Từ); Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội đình, đền, chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội Lồng Tồng (Định Hóa); Lễ hội người Mông (Đồng Hỷ); Lễ hội cơm mới của đồng bào Tày - Nùng dù đều chung mục đích cầu quốc thái dân an, là dịp để nhân dân địa phương tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân, nhưng mỗi lễ hội, lại mang một sắc thái văn hóa, tạo ra sự phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Thái Nguyên.
Có một thực tế đó là sau một thời gian dài vì đất nước có chiến tranh, nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc bị khỏa lấp, nhưng không bị lu mờ, mà có sức sống tiềm tàng như ngọn lửa cháy âm ỉ trong lòng người, chỉ chờ có cơ hội là bùng lên thành một phong trào lớn. Cơ hội chính là sự quan tâm kịp thời, đồng bộ về công tác phát triển văn hóa của tỉnh, từ đó “hiệu triệu” được đông đảo các nghệ nhân và nhân dân cùng tham gia khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động diễn sướng văn nghệ, giáo dục trong trường học và trải nghiệm du lịch. Qua đó, những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được nhân lên, khẳng định sự tồn tại, phát triển.
Khẳng định sự tồn tại của dân tộc
Thời hội nhập kinh tế thế giới, cùng đó là sự “bùng nổ” công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội giúp công dân giữa các quốc gia có thể trao đổi với nhau hằng ngày mà không cần đến hộ chiếu xuất cảnh. Một xã hội mở, đầy tiện ích giúp con người tiếp cận với tinh hoa văn hóa nhân loại, nhưng đồng thời cũng đứng trước nguy cơ bị lãng quên văn hóa của dân tộc mình. Nguy cơ ấy không có hình hài, lặng lẽ tự diễn biến, làm mai một dần nếu mỗi dân tộc không biết gìn giữ bản sắc văn hóa riêng biệt để khẳng định sự tồn tại của dân tộc mình.
Ông Ma Đình Được, 82 tuổi, xóm Hoàng Hà, xã Phú Đình (Định Hóa): Để trao truyền bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc được hiệu quả hơn, mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ về trang phục truyền thống và một số nhạc cụ phù hợp để bà con thực hành diễn sướng. Qua đó khuyến khích lớp trẻ tích cực nhập cuộc.
Để văn hóa các dân tộc ngày càng đậm đà bản sắc, thể hiện rõ nét đặc trưng riêng biệt, giữa dân tộc này không thể lẫn với dân tộc khác, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để gìn giữ, phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa. Đã có rất nhiều hội thảo về chủ đề gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa được các cấp, ngành chức năng tổ chức. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã phối hợp với các địa phương xây dựng được 50 mô hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Theo hướng dẫn của ngành văn hóa, đến nay, trên toàn tỉnh đã có hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả. Được thành lập gần đây nhất vào cuối 2023 có các câu lạc bộ: Bảo tồn bản sắc văn hóa múa chuông, múa rùa dân tộc Dao, xã Động Đạt (Phú Lương); Hát soọng cô xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình); Hát sường cô tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hoá Thượng (Đồng Hỷ). Nhân dịp ra mắt, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ một số đạo cụ, trang phục truyền thống với tổng trị giá gần 100 triệu đồng cho mỗi câu lạc bộ.
Việc khôi phục, trao truyền, bảo tồn bản sắc văn hóa đã và đang thực sự trở thành nhu cầu của cộng đồng các dân tộc. Hầu hết các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh đều đã có các hoạt động tìm lại nét văn hóa độc đáo riêng biệt của dân tộc mình. Tiêu biểu phải kể đến công sức đóng góp của các nghệ nhân, “họ” không quản ngại khó nhọc, lặng lẽ kiếm tìm những tài liệu cổ để ghi chép, nghiên cứu, khôi phục lại kho tàng văn học của dân tộc mình, đồng thời trực tiếp truyền dạy cho bà con trong vùng cùng biết để nắm giữ. Chính các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đã tạo sự gắn kết cộng đồng bền chặt hơn. Đây cũng là cơ sở các dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng khó khăn của tỉnh nhận diện được mặt trái của những luồng văn hóa độc hại, từ đó cảnh giác, chủ động phòng tránh, không bị mắc bẫy văn hóa độc hại của các thế lực phản động.
Để văn hóa dân tộc ngày càng đậm đà bản sắc, tỉnh chú trọng việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiếp tục nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Coi trọng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo thuận lợi cho đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân gắn bó, tâm huyết sáng tạo và tham gia các hoạt động quảng bá, trao truyền nét đẹp mang bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo cho các thế hệ. Qua đó các dân tộc trong tỉnh tự khẳng định được rõ nét hơn về sự khác biệt giữa các dân tộc. Không để những nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc mình bị mai một. Bởi một chân lý rõ ràng: “Văn hóa còn, dân tộc còn. Văn hóa mất, dân tộc mất”.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên phân bổ gần 5.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho 70 công trình, dự án lĩnh vực văn hóa - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm gần 18% tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của cả giai đoạn. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin