Cấp sắc - một nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Nùng. Người được cấp sắc đồng nghĩa với việc được mọi người trong cộng đồng công nhận sự trưởng thành, được phép tham gia thực hành các hoạt động nghi lễ tín ngưỡng trong cộng đồng dân tộc Nùng.
Ông Chu Văn Cam đọc được nhiều sách chép chữ Hán cổ có nội dung liên quan đến công việc của thầy tào. |
Để tìm hiểu rõ hơn về nghi lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Nùng, chúng tôi tìm về xóm Đồng Luông (xã Tân Long, Đồng Hỷ) gặp ông Chu Văn Cam, một người có uy tín trong vùng, đồng thời là một thày tào nhiều năm trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ này.
Ông Cam kể: Từ năm 1930, một số gia đình người dân tộc Nùng thuộc các dòng họ Lâm, Chu, Lý… từ vùng đất Bình Gia (Lạng Sơn) di cư về Đồng Hỷ phát rừng, đuổi thú, lập làng định cư, đoàn kết chung sống cùng đồng bào các dân khác. Dù bao phen dời đổi, khó khăn chồng chất, nhưng nét đẹp văn hoá độc đáo trong lễ Cấp sắc của người dân tộc Nùng, chúng tôi vẫn được gìn giữ, trao truyền lại qua các thế hệ như một báu vật.
Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Dòng họ nhà ông Cam đã nhiều đời làm thầy cúng, cái nghề làm phúc cho thiên hạ về mặt tinh thần. Năm 20 tuổi, ông theo cha đi cúng tế và đảm nhiệm vai thầy phụ. Các cụ bảo, ông có căn duyên với việc làm thầy, nên đã truyền dạy lại cho ông những nghi thức cần thiết.
Bản thân ông cũng ý thức được trọng trách của dòng họ đặt lên vai, nên kiên trì nghiền ngẫm sách vở, cần mẫn học những bài “nói chuyện với trời, đất, với người ở cõi âm”. Vì thế, ông sớm được các thầy bề trên làm lễ cấp sắc, trở thành một thầy mo, thầy tào có khả năng “làm phép” an ủi tinh thần cho bà con trong cộng đồng người dân tộc Nùng. Ông chia sẻ: Phải qua nhiều lần làm lễ Cấp sắc mới được người tiên giới công nhận, cho làm phép giúp người.
Cấp sắc là một việc hệ trọng, việc lớn của đời người đàn ông, nhưng không phải người đàn ông nào cũng được cấp sắc. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Nùng, chỉ những người có “căn” mới được cấp sắc. Hơn thế, họ phải có đạo đức, có kiến thức xã hội và được mọi người trong cộng đồng nể mến…
Ông Chu Văn Cam dạy các cháu nội, ngoại chữ Hán cổ. |
Bởi quan niệm, làm cấp sắc là làm danh giá nhà cửa, bản thân, nên người được cấp sắc cùng gia đình, dòng họ phải công phu chuẩn bị trước hằng tháng. Bắt đầu là chọn ngày lành, tháng tốt và chuẩn bị các lễ vật như: dê, lợn, gà, gạo, rượu, vải trắng, vải đỏ, giấy màu… Mỗi vật phẩm đều có quy định riêng về số lượng, không thiếu, không thừa.
Việc hành lễ có các thầy chính, gồm: thầy tào, thầy pụt, thầy mo và các thầy phụ. Mở đầu nghi lễ là việc báo cáo tổ tiên gia chủ, báo cáo các vị thánh, quan chức nhà trời về một việc lớn của gia đình. Thầy pụt mở đường lên trời để đón tổ sư, tổ tiên gia chủ xuống dự lễ, cúng giải xung, giải hạn cho gia chủ thông qua các lễ nhỏ: báo tổ tiên, báo Ngọc Hoàng, dâng lễ, dâng hương.
Tiếp đến có các lễ như: lễ sinh ra người được thụ lễ, lễ quá hồng, lễ cấp đồ nghề cho đệ tử, lễ đọc sắc phong, giải hạn, khao quân, tiễn thánh, lễ cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã ủng hộ cho phép các thầy làm lễ cấp sắc và ban phát quà cho người được cấp sắc.
Lễ Cấp sắc có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Nùng. Bởi lễ mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, nhân cách, nhắc nhở mỗi người biết gìn giữ nếp sống có tôn ti, trật tự trong cộng đồng và biết ơn tổ tiên cũng như các vị thần đã che chở bảo vệ.
Ở góc độ nghệ thuật, lễ Cấp sắc thực chất là một cuộc diễn xướng dân gian, bởi các “hoạt cảnh” được tập hợp khá nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn như các trò diễn, hát, nhạc, nhập đồng… Tất cả được liên kết lại nhuần nhuyễn và trình diễn trong không khí linh nghiêm, vừa hấp dẫn, vừa kỳ bí, lại gần gũi với đời sống con người.
Với ý nghĩa đó, nghi lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Nùng Thái Nguyên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin