Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai chất lượng, hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống lành mạnh, góp phần thực hiện tốt nếp sống văn minh và bài trừ, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Ban Công tác mặt trận xóm Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, Phú Lương) triển khai nhiệm vụ hằng tháng. |
Cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã trải qua 24 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với các nội dung cơ bản như: Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch đẹp, an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Đặc biệt, phong trào được gắn kết với nhiều cuộc vận động và các phong trào khác, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Tại các khu dân cư, ban công tác mặt trận tích cực vào cuộc, qua đó huy động, tập hợp được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quê hương ngày càng phồn thịnh, văn minh.
Bà Phạm Tuyết Bảo, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Quá trình triển khai thực hiện, chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không ngừng được nâng cao. Bởi các nội dung phong trào gần gũi, sát thực và trực tiếp mang lại lợi ích cho nhân dân. Ví như việc tham gia xây dựng gia đình văn hóa; xóm, tổ dân phố văn hóa đã tạo được môi trường sống văn minh cho gia đình, cộng đồng xã hội, rồi đoàn kết giúp nhau giảm nghèo; phòng chống tệ nạn xã hội.
Một thuận lợi là từ nhiều năm nay, phong trào đã đi vào nền nếp. Hầu hết các xóm, tổ dân phố, nhân dân thống nhất xây dựng được hương ước, quy ước phù hợp với pháp luật. Ban chỉ đạo thực hiện phong trào các cấp đã hướng dẫn, vận động nhân dân thành lập, duy trì hoạt động của hàng nghìn mô hình câu lạc bộ như: Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; thể thao và hàng nghìn nhóm sở thích khác nhau. Tất cả các hoạt động câu lạc bộ, nhóm sở thích đều hướng đến mục tiêu triển khai thực hiện phong trào thành công.
Ông Lục Thanh Lâm, ở xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình), cho biết: Xóm có 210 hộ, 99% là dân tộc Sán Dìu. Xóm có câu lạc bộ hát Soọng Cô. Qua sinh hoạt, bà con được gặp gỡ, giao lưu, tinh thần thoải mái, phấn chấn lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Còn bà Lý Thị Pành, xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai), mộc mạc nói: Tham gia thực hiện phong trào, bà con người Mông chúng tôi biết đoàn kết với các dân tộc khác, cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa, tích cực bài trừ các hủ tục lạc hậu…
Bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (ngoài cùng bên phải) và người dân xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt, Phú Bình. |
Đang những ngày đất nước tưng bừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, bên các trục đường từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng tươi đỏ màu cờ Tổ quốc. Trong không khí phấn chấn, tươi vui, chúng tôi liên tưởng đến tinh thần đại đoàn kết toàn dân, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đã đồng lòng đứng lên giành lại chính quyền. Và hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đã tạo nên một xã hội văn minh cũng từ huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đới Duy Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), tâm đắc: Mấu chốt là lòng dân đồng thuận thì việc khó cùng thành dễ. Cũng từ nhiều năm nay, các nội dung phong trào đã thẩm thấu vào đời sống vật chất, tinh thần của mỗi gia đình, dòng họ. Ngày cuối năm bình xét gia đình văn hóa, hộ nào không có tên trong danh sách gia đình văn hóa sẽ là “một thiệt thòi lớn”.
Nội dung phong trào được các cấp, ngành tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Từng địa phương lại linh hoạt triển khai phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán, nhận thức của người dân. Điển hình ở TP. Thái Nguyên, các phong trào thi đua được thực hiện lồng ghép, hỗ trợ cho nhau. Cụ thể như phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Chương trình giảm nghèo bền vững… Kết quả, năm 2023 thành phố 97,6% hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa; 99,75% xóm, tổ dân phố đạt tiêu chí văn hóa; 96,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Quá trình triển triển khai thực hiện phong trào, huyện Định Hóa là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh về thiết chế nhà văn hóa cơ sở. Trong 2 năm gần đây, địa phương này có 100 xóm xây mới nhà văn hóa, 49 xóm sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa, với tổng kinh phí xây dựng hơn 31 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 13,7 đồng, nhân dân tham gia đối ứng hơn 17,3 tỷ đồng.
Ông Ma Đình Trung, Trưởng xóm Cốc Móc, xã Linh Thông, cho biết: Năm 2023, 109 gia đình trong xóm đóng góp 2,5 triệu đồng/hộ để xây nhà văn hóa làm nơi cho nhân dân hội họp. Dù đời sống vật chất của người dân chưa hết khó khăn, nhưng bà con tích cực tham gia ủng hộ, vì địa phương phát huy được tinh thần dân chủ, công bằng.
Cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện, kinh tế ngày một phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng phong phú, lành mạnh. Tỉnh Thái Nguyên đã gặt hái được thành quả lớn lao từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Theo đó là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao, xã hội bình yên, tệ nạn xã hội dần được loại bỏ, tình người được nhân lên...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin