Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa, cấu thành môi trường sống của đồng bào các dân tộc vùng đất “đệ nhất danh trà”, Thái Nguyên xác định đây là nguồn tài sản quý. Tỉnh luôn coi trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, gắn với phát huy các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển. Đây cũng là nội dung, mục tiêu quan trọng nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (viết tắt là NQ 33).
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị một số loại hình nghệ thuật truyền thống luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, triển khai hiệu quả. |
Coi trọng đầu tư thiết chế văn hóa
Tháng 6 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024. Liên hoan được tổ chức tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (TP. Thái Nguyên), với 23 vở diễn, quy tụ gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 19 đơn vị nghệ thuật kịch nói trên toàn quốc tham dự. Bà Ngô Thị Thoa, ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), cho biết: Các vở diễn được đầu tư chất lượng, mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc. Chúng tôi đi xem rất phấn khởi.
Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, tọa lạc tại số 118 đường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên). |
Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc có tổng vốn đầu tư 319 tỷ đồng, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 8-2022. Công trình có diện tích 4.000m2, khán phòng quy mô 1.200 chỗ ngồi và hai khán phòng nhỏ. Đây là công trình văn hóa có kiến trúc nổi bật đặc trưng, được trang bị cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của các chương trình nghệ thuật lớn, đặc biệt là nơi tổ chức các sự kiện chính trị của tỉnh.
Cùng với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nhiều thiết chế văn hóa, như: Nhà Văn hóa lao động tỉnh (ở TP. Sông Công); Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Quảng trường Võ Nguyên Giáp; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915 (Đội 91 Bắc Thái); Không gian văn hóa trà Tân Cương (TP. Thái Nguyên)...
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng, hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa; tăng mức chi hoạt động và đầu tư cho văn hóa tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế. Trong đó, chú trọng các thiết chế văn hóa cơ sở, gắn đầu tư với khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động; hướng sự ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.
Nhà văn hóa xóm Đồng Rôm (xã Phủ Lý, Phú Lương) là nơi sinh hoạt, vui chơi của nhân dân trong xóm. |
Hiện nay, toàn tỉnh có 6 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh; 7/9 thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 152/177 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã; trên 96% các xóm, thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa... Với sự đầu tư tích cực, đồng bộ, đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên. Các hoạt động văn hóa hướng mạnh về cơ sở, vùng sâu, xa, đã thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền...
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 1.000 di tích được bảo tồn, kiểm kê, xếp hạng, trong đó có 1 khu di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 128 di tích ATK, 57 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Toàn tỉnh có trên 550 di sản phi vật thể, trong đó 23 di sản phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia, 1 di sản được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: "Thái Nguyên đang phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm để làm nên thương hiệu, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh".
Toàn tỉnh còn có gần 200 lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ hằng năm; 272 làng nghề được công nhận, trong đó có 184 làng nghề truyền thống, 88 làng nghề, với nhiều sản phẩm OCOP và nét ẩm thực văn hóa truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên) được Tổ chức Du lịch thế giới trao Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới” vào năm 2022.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Tuân nhấn mạnh: Khai thác, phát huy những lợi thế trên, tỉnh đã định hướng và triển khai phát triển du lịch, tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Di tích Lũng Lươn, ở xóm Tân Long, xã Cổ Lũng (Phú Lương) - nơi Bác Hồ từng đến nói chuyện và phát động phong trào làm đường nông thôn để phục vụ kháng chiến trường kỳ của dân tộc. |
Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội. Giai đoạn 2014-2024, toàn tỉnh có 145 di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, sửa chữa, với tổng kinh phí trên 609 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa là hơn 378 tỷ đồng. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên; linh hoạt áp dụng số hóa 128 hồ sơ khoa học đối với các di tích... phục vụ công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch.
Là vùng đất “Đệ nhất danh trà”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà. Đây chính là điểm độc đáo, khác biệt so với các tỉnh vùng Việt Bắc và cả nước.
Văn hóa trở thành sức mạnh cộng đồng
Cùng với quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, Thái Nguyên đẩy mạnh phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Trong đó chú trọng việc xây dựng chuẩn mực văn hóa, giá trị con người tuân thủ hiến pháp, pháp luật, giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Đức Lực, Bí thư Huyện ủy Định Hóa: "Thời gian qua, huyện Định Hóa luôn quan tâm huy động và dành nguồn lực tương xứng để đầu tư phát triển văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn".
Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên vào cuối tháng 5-2024, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá cao kết quả Thái Nguyên đạt được trong 10 năm thực hiện NQ 33. Có thể dẫn chứng như: Năm 2023, toàn tỉnh có 309.714/328.450 gia đình đạt danh hiệu văn hóa (đạt 94,29%, tăng gần 11% so với năm 2014); trên 97,5% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (tăng 36,23%).
Người dân ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh tích cực luyện tập thể dục - thể thao, rèn luyện sức khỏe. |
Đến nay, toàn tỉnh có 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17 xã nâng cao; 4 xã kiểu mẫu; 6 huyện, thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ người dân luyện tập thể dục thể thao thường xuyên từ 28,6% (năm 2014) nâng lên 31,2% (năm 2023). Nhân dân trong tỉnh tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; nhiệt tình tham gia, hưởng ứng các hoạt động văn hóa, lễ hội lành mạnh, phù hợp với tình hình, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 điểm du lịch được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận; 466 cơ sở lưu trú. Năm 2023, tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt gần 2,5 triệu lượt; doanh thu từ du lịch đạt trên 2.144 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2021-2023, tổng lượt khách du lịch đến Thái Nguyên tăng trên 29%/năm. |
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin