Đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 104 của nhà thơ Tố Hữu và 70 năm ngày ra đời bài thơ Việt Bắc, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) trân trọng đón nhận món quà đến từ Thái Nguyên: Tấm bia đá khắc bài thơ Việt Bắc phỏng dịch tiếng Tày được đặt trang trọng tại Khu nhà lưu niệm của nhà thơ Tố Hữu. Hành trình kết nối và có mặt của tấm bia chính là sự hội ngộ của những tấm lòng.
Nghi lễ cắt băng khánh thành văn bia khắc bài thơ Việt Bắc (tiếng Việt và tiếng Tày) tại Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu. |
Từ tình yêu của người Việt Bắc
Câu chuyện bắt đầu từ cụ Hoàng Thể, cư trú tại phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên). Cụ Hoàng Thể sinh năm 1931 (mất năm 1989), quê ở bản Chợ Giải, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1958, cụ là giáo viên dạy môn Văn tại trường cấp 3 Bắc Kạn. Năm 1968, cụ về làm biên tập viên Hội Văn nghệ Khu tự trị Việt Bắc. Cụ là người có công sáng lập Hội Văn học nghệ thuật Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Trong thời gian làm giáo viên tại Bắc Kạn, với tình yêu dành cho bài thơ Việt Bắc của Nhà thơ Tố Hữu, cụ đã phỏng dịch bài thơ ra tiếng Tày và tác phẩm nhanh chóng được các thế hệ học sinh trường cấp 3 Bắc Kạn đón nhận, lưu giữ.
Bà Hoàng Thị Liêm (nguyên giáo viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) bồi hồi kể: Tôi là học trò của thầy giáo Thể, khóa 1964-1967. Hết cấp 3 tôi được đi học ở Liên Xô. Sang bên đó, tôi nhận được bài thơ của thầy do các bạn gửi qua đường bưu điện. Là người dân tộc Tày, tôi cảm phục khả năng chuyển ngữ tài tình của thầy giáo Thể. Tôi đã chép lại bài thơ trong những ngày tuyết phủ trắng xóa ở nước Nga.
Bài thơ cứ thế “sống” âm thầm qua các thế hệ học trò và một số người yêu thơ vùng Việt Bắc. Khoảng năm 1990, trong một lần lên Cao Bằng, qua địa phận huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), ông Hoàng Thao (con trai của cụ Thể) chợt nghe một người đàn ông trên ô tô ngâm nga mấy câu thơ tiếng Tày. Hay quá! Ông Thao bật kêu lên. Hỏi ra, ông Hoàng Thao mới biết tác giả của những câu thơ dịch tài tình đó là của chính bố mình.
Cũng từ đó, ông Thao nung nấu quyết tâm phải tìm bằng được bản tiếng Tày này. Ông Thao đến nhà các đồng nghiệp, học trò của cụ Hoàng Thể ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Vĩnh Phú, Hà Giang… để tìm bài thơ. Cuối năm 2012, Tiến sĩ Ngữ văn Cao Hồng (vợ của ông Hoàng Thao) bất ngờ gặp bà Liêm và được bà Liêm cung cấp trọn vẹn bài thơ nói trên.
Gia đình ông Hoàng Thao hân hoan đón bài thơ trở về. Ông Thao thuê người khắc bài thơ (tiếng Việt và tiếng Tày) trên hai mặt phiến đá vân mây nặng hơn 3 tấn, đặt ở khu nhà thờ họ Hoàng tại Bắc Kạn. Bài thơ bằng tiếng Tày lại có dịp lan tỏa. Nhiều câu lạc bộ đàn tính, hát Then đã phổ nhạc, trình diễn; bài thơ được ngâm trong nhiều dịp lễ hội tại Thái Nguyên, Bắc Kạn.
Đến sự hiện diện của bài thơ ở Huế
Năm 2023, chương trình thiện nguyện thường niên “Vì sức khoẻ và trí tuệ cho trẻ em miền núi” của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên được tổ chức tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) với sự tham gia nhiệt tình của vợ chồng ông Hoàng Thao và nhiều nghệ sĩ, bác sĩ, trí thức, trong đó có Giáo sư, Viện sĩ, Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng.
Gia đình ông Hoàng Thao nhận hoa của lãnh đạo huyện Quảng Điền. |
Khi ghé thăm khu nhà thờ dòng họ của gia đình ông Hoàng Thao, ông Huy Hoàng ngạc nhiên khi thấy phiến đá khắc bài thơ Việt Bắc bằng hai thứ tiếng Việt - Tày. Ông Hoàng nêu ý tưởng: Nếu có tấm bia khắc bài thơ như thế này đặt ở Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu sẽ rất ý nghĩa. Vậy là, với sự kết nối nhiệt tình của ông Nguyễn Huy Hoàng, vợ chồng ông Hoàng Thao đã nhiều lần vào Huế, gặp gỡ chính quyền huyện Quảng Điền và đại diện gia đình Nhà thơ Tố Hữu. Họ bàn bạc, thống nhất thuê khắc trọn vẹn bài thơ Việt Bắc bằng tiếng Việt và tiếng Tày trên 2 mặt tấm bia bằng đá trắng nguyên khối nặng 5,5 tấn, cao 3m, để dâng tặng vào dịp sinh nhật lần thứ 104 của Nhà thơ Tố Hữu (4/10/2024).
Về lý do dâng tặng tấm thạch bia, ông Hoàng Thao cho biết: Bài thơ Việt Bắc có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam suốt 70 năm qua. Chắc hẳn khi chuyển ngữ bài thơ này, bố tôi đã dành nhiều tình yêu cho tác phẩm và rất ngưỡng mộ nhà thơ Tố Hữu. Tôi mong muốn, bản chuyển ngữ tiếng Tày của bố tôi là lời cảm ơn trân trọng của gia đình tôi nói riêng, của đồng bào Việt Bắc nói chung muốn gửi đến gia đình Nhà thơ Tố Hữu và tỉnh Thừa Thiên Huế. Hy vọng, trong bối cảnh hội nhập văn hóa toàn cầu hôm nay, sự chia sẻ rất khiêm tốn này của chúng tôi góp phần để quê hương của Nhà thơ Tố Hữu tiếp tục phát huy tiềm năng, vươn đến tầm cao mới trong sự phát triển toàn diện cả kinh tế và văn hóa, đặc biệt phát triển du lịch văn hóa…
Có mặt tại Lễ đặt bia, hai người con gái của Nhà thơ Tố Hữu là bà Nguyễn Thanh Hoa và Nguyễn Minh Hồng đã bày tỏ sự xúc động khi biết bài thơ Việt Bắc của cha mình luôn “sống” trong lòng nhân dân Việt Bắc.
Chính quyền huyện Quảng Điền đã nồng nhiệt đón nhận sự trao tặng này. Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền bày tỏ lòng biết ơn gia đình ông Hoàng Thao đã hỗ trợ huyện gìn giữ, phát huy và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của bài thơ Việt Bắc. Ông cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo để Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; là điểm đến học tập, tham quan, nghiên cứu của cán bộ, nhân dân và khách du lịch.
Trở về từ Huế, ông Hoàng Thao cho biết thật sự mãn nguyện vì đã hoàn thành ý nguyện lớn. Ông nói: Việc tìm thấy bản chuyển thể tiếng Tày và đến hôm nay bài thơ của cụ Hoàng Thể có mặt tại quê hương nhà thơ Tố Hữu, là kết quả cộng hưởng của những tấm lòng yêu văn hóa và yêu đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin