Phú Bình: Giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa

Phan Trang 09:52, 29/10/2024

Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa được các cấp chính quyền và nhân dân huyện Phú Bình tích cực thực hiện; góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

Đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục để bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo đình, chùa An Châu (xã Nga My) trước Tết Nguyên đán 2025. 
Đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục để bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo đình, chùa An Châu (xã Nga My) trước Tết Nguyên đán 2025. 

Huyện Phú Bình có 291 điểm di tích (theo số liệu kiểm kê năm 2020), trong đó có 7 di tích Quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, nhân dân về bảo tồn giá trị di tích lịch sử - văn hóa được UBND huyện chú trọng thực hiện bằng nhiều giải pháp.

Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 3 lớp tập huấn cho đại diện ban quản lý các di tích. Thông qua các buổi tập huấn, học viên được cung cấp kiến thức về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích; quản lý tiền công đức, tài trợ; phổ biến thông tư hướng dẫn và các văn bản quy định.

Bên cạnh đó, UBND huyện còn phối hợp với các cơ quan báo chí để xây dựng các tin, bài viết, phóng sự quảng bá, giới thiệu về những di tích trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Riêng trong năm 2024, huyện đã phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện nhiều tác phẩm báo chí để quảng bá, tuyên truyền về Di tích lịch sử văn hóa Đình - Đền - Chùa Cầu Muối và các di tích lịch sử trên địa bàn.

Hoạt động tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ cũng được quan tâm thực hiện để những giá trị lịch sử được lưu truyền. Hàng năm, đoàn thanh niên các xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các điểm di tích của địa phương. Trong chương trình dạy học, các nhà trường cũng quan tâm tổ chức hoạt động về nguồn, tìm hiểu thông tin về các di tích trong và ngoài địa bàn.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành: Nhà trường luôn quan tâm đưa hoạt động tìm hiểu thông tin về các di tích lịch sử trên địa bàn vào bài học của môn Lịch sử địa phương. Hàng năm, Liên đội Nhà trường cũng tổ chức cho đội viên tham quan trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử. Thông qua các hoạt động này, các em học sinh ý thức được trách nhiệm của bản thân trong gìn giữ văn hóa truyền thống.

Ngoài công tác tuyên truyền, hàng năm, UBND huyện yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra hiện trạng những di tích trên địa bàn để kịp thời đề xuất kinh phí tu bổ, tôn tạo các công trình xuống cấp. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, các địa phương cũng huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư. Từ 2020 đến tháng nay, 21 di tích trên địa bàn đã và đang được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 34 tỷ đồng, số còn lại là nguồn xã hội hóa.

Ông Lưu Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My, cho biết: Đình chùa An Châu là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Dưới tác động của thời gian và ảnh hưởng của môi trường, di tích đã bị xuống cấp trầm trọng. Tháng 10-2023, di tích đã được khởi công tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50%, còn lại, UBND xã đã cùng với xóm vận động người dân đóng góp với số tiền là 900 nghìn đồng/hộ.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết di tích vẫn giữ được những giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị lịch sử văn hóa, thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan. Trong đó, Cụm di tích Đình - Đền- Chùa Cầu Muối là một di tích nổi tiếng của địa phương, thu hút hàng vạn du khách hàng năm.

Thời gian tới, UBND huyện Phú Bình tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; đẩy mạnh công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý di sản văn hóa; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi các văn bản quản lý, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử.