Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi bảo muốn dành cho các bậc phụ huynh một điều bất ngờ. Cô nói rồi lấy trong cặp ra một chồng thư, trịnh trọng: Đây là những bức thư cô giáo đã yêu cầu các con viết gửi cho bố, mẹ nhân dịp đầu năm học mới. Đó là những chia sẻ thầm kín của các con mà đôi khi nếu nói trực tiếp với bố, mẹ, các con khó mở lòng. Những lá thư không tem, không dấu bưu điện, chỉ có tên người gửi và người nhận được cô trao tận tay từng bậc phụ huynh. Lâu lắm rồi tôi mới lại được nhìn thấy những bức thư viết bằng tay, bất giác cả một vùng ký ức với những cánh thư chợt tìm về.
Minh họa: Thanh Hạnh |
Thế hệ 7X như chúng tôi, hầu như ai cũng đã từng cầm bút viết những lá thư tay. Thư viết gửi cho người thân, người yêu, bạn bè. Bao vui buồn, hờn giận đều thể hiện qua những cánh thư. Bắt đầu là những bức thư của đứa học buổi sáng gửi đứa học buổi chiều. Bởi thời đó trường lớp còn thiếu nên một phòng học chia làm hai ca. Ca sáng cho một lớp, ca chiều cho một lớp. Thế là ngăn bàn trở thành hộp thư giao lưu giữa hai đứa cùng sở hữu một chiếc bàn trong hai buổi học.
Những bức thư tay giấu trong ngăn bàn ngắn lắm, đôi khi chỉ là những nét chữ vội vàng thông báo cho nhau việc để quyên sách vởhay mấy thứ quà vặt tuổi ô mai.
Hồi ấy chưa có Facebook, Zalo như bây giờ, báo giấy thống trị và là kênh thông tin số 1, trên các tờ báo dành cho lứa tuổi học trò như Mực tím, Hoa học trò đều có mục kết bạn bốn phương. Lũ học trò chúng tôi vì thế mà nảy sinh phong trào viết thư kết bạn, nhất là kết bạn với các anh bộ đội qua Báo Tiền Phong.
Lớp tôi tuần nào cũng nhận vài chục lá thư từ mọi miền Tổ quốc gửi về. Nếu như tiếng Việt là thứ ngôn ngữ giàu cảm xúc, đa chiều sâu như tâm hồn dân tộc thì những lá thư tay là kết tinh đặc sắc của ngôn ngữ ấy: Đôi nét run run vì bồi hồi xúc động, vài dòng lem nhem vì nhòa nước mắt nhớ thương, có cả những đoạn viết ẩu khi đêm về khuya và mắt đã muốn nhắm chặt… Thư tay vì thế mà cảm xúc đong đầy.
Tôi nhớ sau mỗi bức thư bao giờ cũng có phần tái bút, là những dòng viết thêm nhắn nhủ tâm tình. Gọi là viết thêm nhưng có khi tái bút dài chẳng kém nội dung chính của bức thư, bởi thế mở thư ra như thấy một bầu trời yêu thương tràn ngập.
Hồi ấy nhận thư là niềm vui, niềm trông ngóng của lũ học trò chúng tôi, hầu như bài hát nào có liên quan đến thư tay chúng tôi đều thuộc. Nào là “Mỗi cánh thư về từ đảo xa/Anh thường nói rằng Trường sa lắm xa xôi”; nào là “Trang thư xanh em lén trao anh/Viết bằng mực tím tím bông hoa cà”; rồi “Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay…”.
Mỗi lần nhận thư giờ ra chơi chúng tôi thi nhau tranh thủ đọc, có đứa vừa đọc thư vừa tủm tỉm cười nhưng cũng có đứa đọc thư xong len lén lau nước mắt.
Nhắc đến thư tay, tôi bỗng nhớ đến những dòng thư Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh mà tôi từng được đọc:
5/6/1976
Quỳnh thương yêu,
Em gắng đi về bằng máy bay cho khoẻ, không mua gì cũng được. Về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh…”.
Đọc những dòng thư của Lưu Quang Vũ, người ta không chỉ thấy những câu từ đẹp, mà còn thấy một tình yêu thật đẹp. Những câu chữ giản dị nhưng khiến người ta muốn đọc đi, đọc lại nhiều lần.
Nhắc đến thư tay, tôi lại nhớ đến bức thư Trịnh Công Sơn từng gửi cho Dao Ánh - nàng thơ của ông. Lúc đó, Trịnh Công Sơn đang đi dạy trên B’lao (Lâm Đồng) mới 25 tuổi sau khi tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn; Dao Ánh đang là cô nữ sinh 16 tuổi học tại Huế:
“B’lao, 23 tháng 9 năm 1965
Ánh
Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ đã điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen. Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây. Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào. Ngồi ở đây nhìn ra từng ô cửa kính rất lớn anh mơ hồ thấy mình như lạc về một vùng đất nào mới sơ khai. Cả thành phố chỉ xanh rì những cây cối và từng khoảng đất đỏ...”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với vốn ngôn ngữ tài hoa đã làm rung động tâm can bao thế hệ nghe nhạc. Một lần nữa, những ngôn ngữ tài hoa ấy lại chảy tràn trên những trang thư lãng mạn khiến người đọc xúc động, bồi hồi.
Thời của chúng tôi viết thư tay là điều bình thường, còn những lá thư được gửi đi trong thời buổi này bỗng trở thành của hiếm. Cả thế giới đã được kết nối lại gần nhau trên một mặt phẳng Internet. Internet với ưu thế vượt trội về thời gian và sự tiện lợi giúp chúng ta kết nối với nhiều người hơn, nhưng cũng có thể làm cho chúng ta trở nên hời hợt hơn với những mối quan hệ.
Và tôi tự hỏi không biết những phông chữ vi tính, những biểu tượng thể hiện hiện trạng thái có thể mang lại nhiều cảm xúc bằng những dòng chữ viết tay, bằng thời gian và công sức bỏ ra bên bàn viết hay bằng những ngày chờ đợi nhận được thư như một thời chúng tôi đã trải qua?
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin