- Thắng nói cho bà biết nào, có phải bụng mày thích đứa con gái ở bản Dao Tân Thanh rồi không?
- Bà ơi, con gái người Dao xinh lắm. Bà cho con làm rể người Dao nha.
Bà Hiền lườm yêu Thắng:
- Mang nó về đây cho bà xem mặt. Nếu ưng, bà bảo bố, mẹ mày cưới hỏi ngay.
Thắng mừng rỡ:
- Hay quá! Với lại, cháu có một bí mật... Mai cháu đưa bà vào bản Dao Tân Thanh ạ.
Bà Hiền thoáng giật mình. “Bí mật... Có lẽ nào lại là… chuyện ngày xưa...?”. Nhưng chỉ thoáng vậy thôi, bà vội gạt ngay ý nghĩ ấy khỏi đầu. Chuyện ấy đã qua gần bốn mươi năm nay coi như đã an bài rồi.
Gần tháng nay, từ đầu tháng Chạp, khi mưa xuân bắt đầu rơi nhẹ, thằng Thắng đã xin phép gia đình đi ăn "Tết năm cùng" của người Dao ("Tết năm cùng" kéo dài từ tháng 12 Âm lịch đến Tết Nguyên đán). Kể từ hôm ấy, cứ mỗi sáng Thắng ra khỏi cửa để vào bản Dao, lòng bà lại nhớ ông Hà da diết. Bà mở tủ lấy bức tranh vẽ dở ra ngắm nhìn, xúc động.
Bao nhiêu năm rồi, bà Hiền không còn được nhìn thấy hình ảnh chồng ngồi cặm cụi vẽ những bức tranh thờ Tết của đồng bào dân tộc Dao nữa. Ông đi xa mang theo cả niềm đam mê cùng những bức tranh huyền bí. Hôm qua xem chương trình Dân tộc và Miền núi trên sóng truyền hình, bà thấy nao lòng khi người ta đặt câu hỏi: “Mai này còn ai vẽ tranh thờ cho đồng bào dân tộc Dao?”, bà mới nhận ra công việc vẽ tranh của chồng ngày trước là vô cùng quan trọng.
Ông Hà là người miền xuôi lên công tác trong ngành Văn hóa Khu tự trị Việt Bắc rồi kết hôn với bà - cô gái Tày vùng núi phía đông Bắc. Ông không phải là họa sĩ mà chỉ có năng khiếu bẩm sinh về hội họa cùng với khát vọng lưu giữ nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số qua những bức tranh vẽ của mình.
Lúc còn trẻ, cứ vào gần Tết, ông lại vượt qua những con đèo cao chót vót để về các bản người Dao, nhiều lúc quên cả vợ trẻ và con thơ. Người bản Tày xì xào ông có nhân tình trong bản Dao nên cái chân mới đi miết thế. Thậm chí, họ còn đồn Hà có một cậu con trai ở bản người Dao. Năm ấy bà Hiền giận chồng, bỏ về nhà mẹ đẻ. Ông Hà phải lặn lội sang đón và hứa từ nay sẽ không đi chơi bản Dao nữa.
Những ngày sau đó, chồng bà nhốt mình trong phòng vẽ tranh thờ người Dao. Hóa ra những ngày lang thang về các bản làng người Dao, kết thân cùng các cụ cao niên, thầy mo, thầy cúng am hiểu tranh thờ là ông đi học hỏi, tìm tòi văn hóa tranh thờ. Những bức tranh thờ thấm đẫm sắc mầu huyền bí được treo hoặc dán ở bàn thờ của gia đình trong dịp Tết hoặc trong những dịp nghi lễ đặc biệt như: Cấp sắc, cúng ông tổ người Dao (Bàn Vương), Tết nhảy, Mở cửa rừng, Cầu mùa, Tạ mồ… của ông dần dần hình thành.
Ông Hà thường giảng giải cho bà Hiền: Xưa nay, người Dao luôn tâm niệm tranh thờ là thể hiện sự linh thiêng, được coi như báu vật trong dòng tộc. Tuy vậy, những người hiểu biết về nghề vẽ tranh thờ lại rất hiếm trong những cộng đồng người Dao sinh sống. Có lẽ vì thế mà nghề vẽ tranh thờ của ông Hà rất được trọng vọng. Ngay từ mùa hè nắng nóng hàng năm đã rất nhiều người Dao từ các bản xa xôi lặn lội đến nhờ chồng bà vẽ tranh.
Gia đình người Dao nào cũng phải có ít nhất một bộ tranh thờ. Họ coi mỗi bức tranh cũng có kiếp đời như con người. Khi tranh hoàn thành, chủ nhà phải chọn ngày lành, tháng tốt, làm lễ rước tranh về, mời các thầy Tào làm Lễ Khai Quang treo tranh, rồi gia chủ mới được giữ hồn tranh. Đến tận bây giờ bà Hiền vẫn nhớ chồng bà phải trải qua rất nhiều công đoạn mới hoàn thành được một bộ tranh.Bà chợt thấy tiếc vì nghề vẽ tranh thờ người Dao đang bị mai một dần.
* * *
Xuyên qua những cung đường quanh co ven rừng keo, rừng quế xanh mướt, Thắng đã đưa bà Hiền đến bản Dao Tân Thanh, nơi bà chỉ được nghe mà chưa một lần bước chân đến. Bản Dao mang vẻ hoang sơ nhưng tràn đầy hương sắc mùa Xuân.
Đón bà vào nhà là người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi tuổi, dáng vẻ nhanh nhẹn. Bà nhận ra ngay đó chính là cậu bé năm xưa nhiều lần lẽo đẽo theo ông ngoại đến nhà bà để nhận tranh. Bà nhớ lúc ấy, cậu bé cứ sán lại gần ông Hà, chăm chú nhìn ông vẽ, đôi mắt đẹp sáng ngời như cháy lên niềm khát khao đam mê hội họa. Quả tình đã từng nghi ngờ đứa bé ấy chính là con trai ông Hà như lời người bản Tày đồn thổi. Đã qua gần bốn mươi năm, hôm nay bất ngờ gặp lại "cậu bé" năm xưa, lòng bà không khỏi có chút hoang hoải.
Từ trong buồng, một ông già chống gậy bước ra. Bà Hiền nhận ra đó là ông ngoại, người vẫn dẫn cậu bé đến nhà bà nhận tranh năm nào. Ông già chỉ vào "cậu bé năm xưa" nói với bà bằng giọng nửa vui, nửa buồn:
- Thằng cháu Bàn Sinh Tài nhà tôi bây giờ trở thành nghệ nhân vẽ tranh thờ, chính là nhờ ông Hà nhà bà đấy. Vì thấy cháu ham mê tranh nên thày Hà đã nhận làm con và dạy nó vẽ. Nó sáng dạ lắm nhưng có chút thiệt thòi là khi ba tuổi thì mồ côi cả bố lẫn mẹ.
Bà Hiền có cảm giác câu nói sau của ông lão là ý tứ dành riêng cho sự hiểu lầm của bà gần bốn mươi năm về trước.
Thì ra đây chính là cái điều bí mật mà thằng Thắng cứ úp mở nói với bà trước khi lên bản Dao này. Bà đứng ngây ra giữa nhà, chẳng biết nói sao cho phải lẽ. Ông ngoại của Bàn Sinh Tài không có nửa lời trách bà về chuyện cũ nhưng bà vẫn cảm thấy có lỗi với chồng, với gia đình ông lão về câu chuyện hiểu lầm ngày xưa.
Một thiếu nữ Dao bước vào nhà. Đôi mắt cô bé đẹp hút hồn nhưng sao bà cũng có như đã gặp ở đâu rồi.Ồ, đó chính là cặp mắt như cháy lên niềm khát khao đam mê hội họa của cậu bé năm xưa.Thắng cầm tay cô gái, ghé sát tai bà nói nhỏ:
- Đây là Súa, con gái của chú Tài. Cũng là bí mật của cháu, hôm nay mới nói với bà đấy ạ.
Thắng khoe:
- Bà ơi, bí mật nữa là nửa năm nay cháu về nghiên cứu văn hóa tranh thờ người Dao, đã được chú Tài truyền lại nghề vẽ tranh thờ… và cháu đã xin làm con rể bố Tài, bà có vui không ạ?
Nét mặt bà Hiền tươi tỉnh trở lại.
- Bà vui lắm. Những chắc ông nội cháu sẽ là người vui nhất. Thế là từ nay nghề vẽ tranh thờ của người Dao sẽ không bị thất truyền. Đó chính là mơ ước của ông nội cháu đấy.
Bà Hiền lén lau nước mắt. Bà như nhìn thấy ông Hà đang cười tươi bên những bức tranh thờ người Dao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin