Thái Nguyên không phải nơi tôi sinh ra, không phải là quê cha, đất mẹ. Nhưng đất thép này là nơi cho tôi cảm nhận đầy đủ nhất về tình người và sự giàu đẹp, trù phú của một vùng quê Việt Nam hoang sơ mà đầy tiềm năng về mọi mặt.
Khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên được trang hoàng rực rỡ dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: TL |
Tôi chỉ có hơn ba năm sống ở Thái Nguyên và đã qua hơn năm mươi năm tôi rời xa nơi ấy. Nhưng đậm nét trong tôi mãi mãi, in trong trái tim của tôi từ thuở học trò vụng dại là hình bóng của một vùng quê nhỏ bé, xa xôi mà tròn đầy nỗi nhớ. Những cái tên mộc mạc dễ thương như Đồng Cọ, Đồng Măng, Non Đèn, Yên Lãng, Đại Từ, những dốc Mon, Bờ Đậu... luôn gắn liền với những kỷ niệm không bao giờ quên trong ngày tháng tôi sống ở Thái Nguyên (ngày ấy còn gọi là Bắc Thái, tên ghép của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn).
Cũng ở Thái Nguyên, tôi mới biết đến cây nứa, cây mai, cây giang, cây dâu da đất, cây dẻ, cây trám, cây quả gắm và muôn ngàn các loại cây quả trên rừng đại ngàn của núi Hồng (Đại Từ). Những đám mây bồng bềnh trên đỉnh núi Hồng đẹp như trong truyện cổ tích. Tôi thường nhìn thấy chúng khi ngồi trong lớp học đào chìm dưới đất ở đỉnh đồi ngày đấy, và chúng đã nuôi dưỡng tính mộng mơ, phiêu lãng của tôi.
Chỉ có lúc ngồi học là thời gian chẳng vướng bận gì, tai tôi vẫn nghe thầy cô giảng bài, nhưng mắt tôi nhìn ra những đỉnh núi mờ xa. Buổi sớm khi mặt trời mới bắt đầu mọc, những mảng sương bảng lảng bay lên muôn hình vạn dạng, lúc như một cô tiên đang bay lượn, lúc như một chú ngựa hồng đang phi, khi như hình một bông hoa trắng, chú dê, con gà... đủ cả. Đôi lần thầy cô đã đến bên cạnh mà tôi không hề hay biết, bởi tôi chỉ tập trung ngắm cảnh.
Tôi cũng đã được nhìn những chú công múa, cả đàn lớn bé như một dàn đồng diễn tuyệt đẹp, đã thấy những chú khỉ nhỏ ríu rít trên cây khi đi nhặt hạt dẻ... và cũng có lần "được" say vì đói mà ăn vả đến no. Hay những lúc hoảng sợ vô cùng khi lạc vào một khu rừng rậm rạp không tìm được lối ra, một thung lũng đầy những cây dâu da đất sai trĩu trịt, và hơn hết những con suối trong xanh bên trên chằng chịt là những dây quả gắm xoắn vào nhau bắt mắt vô cùng. Và cả những dấu tích thành nhà Mạc hoàng phế trên đỉnh núi Hồng xưa đầy bí ẩn cuốn hút với nhóc con thích thám hiểm như tôi.
Yêu lắm những đồi chè bát ngát xanh, lúp xúp như những cái bát úp khổng lồ, những rừng giang, rừng nứa ngút ngàn. Hễ đến tháng 2, tháng 3 Tết là những cây măng già đâm tua tủa lên cao như một rừng gươm giáo. Yêu lắm những con suối róc rách, trong xanh, len lỏi qua các hốc cây, khe đá của rừng đại ngàn Thái Nguyên. Rừng đã làm cho cảm xúc tôi bay lên cùng những vần thơ của Tố Hữu, cho những bài văn của tôi hay hơn khi nói về quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Người Thái Nguyên cũng vậy, luôn mang tâm hồn mộc mạc, chất phác như rừng cây, đồi chè, nương lúa, nhưng cũng quật cường, khí phách như những khóm tre đầy sức sống, hiên ngang.
Yêu Thái Nguyên nên khi đứa em gái út của tôi ra đời, tôi xin cha đặt tên nó là Hồng Thái. Xa lắm rồi, lâu lắm rồi tôi chưa về thăm lại được, nơi tôi đã có những ký ức, ngọt ngào đằm thắm. Nhưng nơi này, tôi cũng có một nỗi buồn sâu tận đáy con tim. Bởi khi đó, tôi không được tiếp tục đến trường vì hoàn cảnh gia đình, đúng năm Bác Hồ kính yêu ra đi về cõi vĩnh hằng.
Tôi luôn dõi theo từng bước phát triển của Thái Nguyên, nơi có những người bạn thuở thiếu thời (dù rất ngắn ngủi) của tôi ở đó. Tôi rất tự hào vì sự phát triển không ngừng của Thái Nguyên và nhất là xã Yên Lãng, nơi có mái trường tôi đã học kỳ 2 của lớp 6 và lớp 7. Tôi yêu và nhớ vô cùng thôn Đồng Cọ nơi tôi đã gửi một phần những năm cuối tuổi thơ vào những tán cọ xòe như bàn tay che chở, những ông bà, cô bác anh chị đã dạy cho tôi quen với cách sống của đồng bào dân tộc. Họ sống thật thà chất phác, yêu cái đẹp từ trong tâm hồn không phô trương, tô hồng giả tạo.
Yêu lắm Thái Nguyên ơi! Mong một ngày hội ngộ!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin