Ngày đi học, được bố mẹ cho vài đồng ăn sáng tôi thường dành dụm để vào hiệu sách mua những tập thơ. Với tôi ngày ấy, các nhà thơ thần kỳ đến mức như họ không thể có mặt ở cõi trần gian này. Vì vậy, chưa bao giờ tôi dám mơ tưởng đến chuyện trở thành nhà thơ.
Lớn lên tôi theo nghề cơ khí. Nhưng tận trong lòng, tôi không thể nào quên được những tập thơ cùng những tên tuổi mà ngày còn đi học mình đã từng phải nhịn ăn sáng mới có được.
Rồi năm tháng qua đi, không hiểu sao, thơ càng ngày càng ít người đọc, ngược lại, người làm thơ lại nhiều vô kể. Hằng năm có tới cả ngàn tập thơ ra đời với những cái tên tác giả lạ hoắc. Dân gian đã có câu ca lưu truyền đầy chua chát: “Còn trẻ mỗi người một ngành/ Về hưu tất cả hóa thành nhà thơ”.
Xóm tôi có một nhà thơ như thế. Ông đã cho xuất bản ngót chục tập thơ. Nhưng không sao cả. Ông xuất bản bằng chính đồng tiền của mình dành dụm suốt cả đời công tác chứ đâu có bằng tiền thuế của nhân dân.
Ông nhà thơ xóm tôi suốt ngày không dời chiếc bàn bên cửa sổ nhìn ra khoảng trời mênh mông trước mặt. Xa xa là cây gạo cổ thụ dựng trên trời xanh, cứ vào tháng ba lại ràn rạt rụng những cánh hoa bầm đỏ.
Có lần ông nói với tôi: "Đời hoa gạo giống như đời tôi. Mùa xuân về khi cây cối đua nhau kết hoa thì hoa gạo lại âm thầm rụng xuống như một sự lụi tàn. Tôi cũng vậy, những lúc mọi người vui phới phới tôi lại luôn cảm thấy trong lòng u uẩn một nỗi buồn không sao cưỡng nổi. Nói sợ ông cười, chứ tháng ba năm nào tôi cũng ra ngồi dưới gốc cây gạo cuối làng âm thầm khóc để chia li với những cánh hoa gạo rụng đấy ông ạ. Hoa gạo là một định mệnh của cuộc đời tôi”.
Cứ vài tháng ông nhà thơ lại lặng lẽ đến nhà tặng tôi một tập thơ mới với một nỗi niềm rưng rưng xen sự lúng túng. Có lẽ ông cũng linh cảm thấy thời buổi này mang thơ tặng có khi lại làm khổ nhau. Giọng ông run run, không rõ do xúc động hay phiền muội:
- Ông đọc cũng được, không đọc cũng chẳng sao. Chỉ cần ông coi nó một kỉ niệm là tôi cũng vui lắm rồi.
Tôi xua tay:
- Ấy chết! Phải đọc chứ bác. Tôi cũng là người yêu thơ mà.
Nhưng rồi nhiều khi cầm tập thơ của ông tôi cũng chỉ lật lật qua loa vài tờ rồi đưa lên giá sách. Tôi làm vậy vì quá hiểu thơ của ông nhà thơ xóm tôi còn nông cạn, xơ cứng không đến được lòng người. Thôi thì cũng đành coi việc ông tặng thơ như tặng nhau một kỷ niệm.
Đang hoàn thành tập thơ thứ mười thì ông nhà thơ xóm tôi vĩnh viễn ra đi, đúng vào mùa hoa gạo rụng. Mộ ông được đặt ở khu nghĩa địa sát bên cạnh cây gạo cổ thụ cuối làng. Khi đám tang về hết, tôi còn nán lại, đăm chiêu ngồi dưới gốc gạo trong một nỗi buồn khôn tả. Tôi lặng lẽ nhìn thảm hoa xơ xác, tơi tả dưới gốc gạo xù xì.
Tôi biết, năm nay ông chưa có dịp ra đây để khóc cho những cánh hoa gạo rụng. Tôi đến để khóc thay ông. Nhìn cây gạo cô đơn, tôi cảm giác hình như từng cánh hoa gạo đang sa xuống mặt đất những giọt nước mắt đỏ ngầu. Nhà thơ nói đúng, cây gạo chính là định mệnh của đời ông.
Chuyện về ông nhà thơ xóm tôi đến đây có thể đã hoàn toàn kết thúc. Vậy mà không. Hai năm sau, bỗng có một nhân vật thứ ba bất ngờ xuất hiện. Mãi sau này tôi mới biết cô gái ấy tên là Tuyết Trinh, sinh viên của một trường đại học.
Chiều hôm ấy, Tuyết Trinh xuất hiện với vẻ mặt vô hồn, liêu xiêu bước vào thư viện. Nếu tôi không nhầm thì cô đang thất tình. Cô vào thư viện có lẽ không vì đọc sách mà như để trốn chạy. Trốn cuộc đời, trốn tình yêu. Tuổi đôi mươi là vậy. Mất người yêu nghĩa là mất đi một báu vật không gì so sánh nổi. Anh ta là nhất thế giới, chói lọi nhất trần gian. Như thế có nghĩa là, chỉ ngày mai, ngày kia, thậm chí ngay tối nay thôi, cô có thể sẽ gieo mình xuống sông.
Tuyết Trinh đi đến bên giá sách, đưa bàn tay run rảy bới tìm chồng sách. Cô dõi ánh mắt đờ dại vào bìa một tập thơ. Từ xa, nhìn bìa sách tôi nhận ra đó chính là tập thơ của ông nhà thơ xóm tôi.
Không thể cưỡng nổi tò mò, tôi bước đến gần. Tôi ghé mắt. Thì ra đó là bài thơ “Hoa gạo”. Bài thơ chỉ có hai câu: “Ngàn hoa chết đỏ dưới cây/ Có hay mộng trắng còn bay cuối trời”. Tôi thấy Tuyết Trinh khẽ thốt lên: “Ôi! Hoa gạo! Loài hoa khổ đau của mình”. Mắt cô nhắm nghiền, một giọt nước mắt trong suốt rỏ xuống trang sách. Tôi cũng sững người. Bài thơ không hoa mĩ, chẳng triết lý sâu xa nhưng hai câu thơ ngắn ngủi đã như gói trọn cả cái vô thường, nỗi đau cùng niềm khát vọng vô bờ của cõi trần ai.
Hoa đi vào cõi chết nhưng những sợi bông gạo trắng muốt vẫn theo gió bay về cuối trời, gieo mầm sống trên những miền đất mới. Lâu nay vốn có quá ít hy vọng ở tài năng của ông nhà thơ cùng xóm nên dù được tặng thơ nhưng đây là bài thơ tôi mới đọc lần đầu. Trong hàng trăm bài thơ dưới trung bình hoặc đáng bỏ đi của ông thì hai câu thơ này quả là đã gieo vào trái tim tôi một nỗi xúc động nghẹn ngào.
Nhưng tôi hiểu, ông viết được một câu thơ hay về hoa gạo như thế cũng là lẽ thường. Cả đời ông từng rơi bao nước mắt trước những mùa hoa gạo rụng. Hoa gạo là định mệnh của đời ông. Tôi tự trách mình đã không làm nổi cái việc đãi một vảy vàng trong cái sa khoáng thơ mênh mông của ông.
Tuyết Trinh vẫn đờ đẫn trước hai câu thơ. Có lẽ cũng giống như ông nhà thơ, hoa gạo là một loài hoa định mệnh của đời cô. Cô không thể không ngậm ngùi trước câu thơ mà hẳn là khi viết tác giả đã ròng ròng “nhỏ máu năm đầu ngón tay”. Từ đáy mắt phủ một lớp sương u ám của cô chợt ánh lên một nỗi buồn thanh sáng.
Một triết gia từng nói: “Mọi bi kịch đều bắc một nhịp cầu trở về với cuộc sống”. Chợt như thức tỉnh, Tuyết Trinh run rảy khẽ nâng tập thơ lên bằng những ngón tay trắng xanh, mềm mại. Những giọt nước mắt của cô lăn xuống làm trang thơ nhòe ướt. Tôi chợt hiểu, chỉ có nước mắt cô đơn của thi ca mới có thể rửa sạch sự cô đơn, tuyệt vọng trên cõi đời này.
Tuyết Trinh nhẹ nhàng ôm tập thơ vào ngực.
* * *
Phút gặp gỡ giữa tôi và Tuyết Trinh chỉ ngắn ngủi vậy. Sau đó tôi cũng không gặp lại cô dù chỉ một lần. Nhưng trong hình dung đầy lãng mạn của tôi thì Tuyết Trinh sẽ là một sợi bông gạo trắng muốt bay bay về phía cuối trời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin