Thái Nguyên coi trọng ngành “công nghiệp không khói”

Ngọc Chuẩn 09:27, 21/10/2024

Cùng với bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa phương, việc phát triển du lịch - ngành “công nghiệp không khói” sẽ tạo lực hấp dẫn trong thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì thế, lĩnh vực du lịch được tỉnh Thái Nguyên coi trọng, xác định là một ngành kinh tế quan trọng.

Du khách tìm hiểu về các sản phẩm du lịch của Thái Nguyên tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải.
Du khách tìm hiểu về các sản phẩm du lịch của Thái Nguyên tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, cánh cửa biên giới giữa các quốc gia rộng mở hơn cho cư dân giữa các nước được phép qua lại tham quan, du lịch. Đặc biệt, từ ngày 15/8/2023, Việt Nam chính thức miễn visa 45 ngày cho công dân 13 nước trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức… Đây là cơ hội tốt mở ra cho ngành công nghiệp không khói của cả nước. Tỉnh sẽ làm gì để nắm lấy cơ hội tiếp đón một số lượng đáng kể du khách nước ngoài khi đến Việt Nam?, khi mà Thái Nguyên chỉ cách sân bay Nội Bài chưa đầy 1 giờ chạy ô tô.

Được mệnh danh là “đất thép, xứ trà” và sở hữu nguồn tài nguyên vô giá phục vụ ngành Du lịch phát triển, Thái Nguyên hiện có hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê, hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm đếm và có 535 cơ sở lưu trú du lịch. Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch, nhận định: Thái Nguyên đang nắm được cơ hội trong phát triển du lịch phù hợp với xu hướng chung của đất nước và thế giới. Đây chính là lý do để du khách trong nước, quốc tế tìm đến Thái Nguyên trải nghiệm, khám phá và nghỉ dưỡng. 

Những năm qua, lượng khách đến với Thái Nguyên ngày một tăng. Bình quân giai đoạn 2021-2023, tổng lượt khách du lịch đến Thái Nguyên tăng hơn 29%/năm. Năm 2024, ngành Du lịch tiếp tục đón nhận tín hiệu vui. Từ đầu năm đến hết tháng 9, các khu, điểm đến trên địa bàn tỉnh đón gần 3 triệu lượt khách, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu từ du lịch đạt 1.941 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Nguyền Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Cũng như những điểm đến trên cả nước, vào kỳ nghỉ cuối tuần, đặc biệt là dịp nghỉ lễ trong năm, các khu, điểm đến có lượng du khách lớn. Ví như trong kỳ nghỉ dịp 30-4 và 1-5 và kỹ nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9, hầu hết các khu, điểm đến đều bận rộn do lượng du khách đông; một số khách sạn trên địa bàn TP. Thái Nguyên như: Kim Thái; The King; Dạ Hương; May Plaza... công suất sử dụng phòng đạt từ 80-100%.

Du khách tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên).
Du khách tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Thái Nguyên).

Ông Ji Hu, một du khách đến từ Hàn Quốc, cho biết: Thời gian lưu trú ở Thái Nguyên, tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở Khu bảo tồn Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên.

Còn ông Mohamed, du khách đến từ Pháp, chia sẻ: Thái Nguyên có nhiều di tích lịch sử văn hóa, con người thân thiện, ẩm thực cũng rất lạ.

Trên đỉnh Sa Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai), một điểm du lịch trải nghiệm do gia đình chị Lý Thị Pành, người dân tộc Mông đầu tư từ hơn 1 năm nay, bà Đỗ Thị Minh Thúy, du khách đến từ TP. Đà Nằng, nói: Lên núi, thả bộ giữa rừng hoa, ngắm mây trôi về bản nhà sàn, thấy lòng nhẹ nhàng, một chuyến đi đúng ý nghĩa là để chữa lành.

Nhưng để ngành công nghiệp không khói của tỉnh Thái Nguyên phát triển xứng tầm, trở thành trung tâm du lịch các tỉnh Việt Bắc, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có nội dung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm đặc trưng gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Điểm độc đáo, khác biệt so với các tỉnh vùng Việt Bắc và cả nước là 4 dòng sản phẩm này được gắn với văn hóa trà. Đây sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng, làm nên thương hiệu mạnh, tạo sức cạnh tranh cao, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Cùng với 4 dòng sản phẩm đặc trưng, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở làm du lịch tích cực sáng tạo, nâng tầm giá trị sản phẩm liên quan đến du lịch, tạo sự độc đáo, khác biệt, mang lại cho du khách những cảm nhận mới, ấn tượng, không nhàm chán.

Đặc biệt, trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, Thái Nguyên chủ trương đẩy mạnh các loại hình du lịch truyền thống, đồng thời đưa ra nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển mới một số sản phẩm du lịch cao cấp như xây dựng sân golf gắn với phát triển các khu đô thị dịch vụ thương mại; khu nghỉ dưỡng, sinh thái. Có sản phầm độc đáo, khác biệt và lòng người hồn hậu, đó chính là “lực hấp dẫn” của “đất thép, xứ trà”.