Vở “Nghêu Sò Ốc Hến” của Nhà hát Múa rối Thăng Long là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo được thực hiện bằng hình thức múa rối người. Đây là lần đầu tiên, hình thức biểu diễn này được nhà hát thực hiện, đem đến một “Nghêu Sò Ốc Hến” vừa quen, vừa lạ với khán giả.
Vừa qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long công diễn vở “Nghêu Sò Ốc Hến” tại Rạp Đại Nam (Hà Nội). Nhân dịp này, Hội Sân khấu Hà Nội cũng tổ chức giới thiệu vở diễn đến hội viên, đồng thời, trao đổi ý kiến nhằm góp ý nâng cao chất lượng tác phẩm.
Vở diễn "Nghêu Sò Ốc Hến" bằng hình thức múa rối người. Ảnh: NHMTRTL |
“Nghêu Sò Ốc Hến” là kịch bản hài lưu truyền trong dân gian và đã được dàn dựng cho nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu như tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… Đến nay, kịch bản vẫn được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng với các hình thức thể hiện mới mẻ, hiện đại, nhận được sự hưởng ứng của công chúng.
Nhà hát Múa rối Thăng Long quyết định lựa chọn thể hiện vở diễn bằng hình thức múa rối người. Vở múa rối “Nghêu Sò Ốc Hến” do Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Mạnh Hùng biên tập và đạo diễn; Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tùng biên đạo hình thể; Nghệ sĩ nhân dân Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật.
Vở diễn có sự tham gia của nhiều diễn viên kỳ cựu và diễn viên trẻ của nhà hát. Ảnh: Thụy Du |
Tác phẩm có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm cùng các nghệ sĩ trẻ của nhà hát: Nghệ sĩ ưu tú Quý Quốc, Nghệ sĩ ưu tú Lê Chí Kiên, Nghệ sĩ ưu tú Thu Huyền, Nghệ sĩ ưu tú Bảo Khánh, nghệ sĩ Xuân Long, Dương Phương, Văn Phức, Lê Văn, Bình Minh, Quỳnh Nga, Ngô Hiên, Đức Duy, Công Mạnh, Mai Anh, Hồng Kỳ, Thanh Hiếu, Ngọc Linh…
Ở vở diễn này, thay vì điều khiển con rối từ phía sau, các nghệ sĩ hóa thân thành các con rối, thể hiện những chuyển động đặc trưng của con rối, loại bỏ mọi biểu cảm trên khuôn mặt… Điều này khiến chính các diễn viên cũng cảm thấy mới mẻ, lạ lẫm và khán giả thưởng thức cũng không kém phần hứng thú, tò mò.
Các nghệ sĩ hóa thân thành con rối, biểu diễn, chuyển động theo đặc trưng của con rối. Ảnh: NHMRTL |
Mặc dù câu chuyện kịch quen thuộc, nhưng với hình thức thể hiện mới mẻ, nỗ lực diễn xuất của các nghệ sĩ, hiệu ứng sân khấu hiện đại, vở diễn đã đem lại tiếng cười cho khán giả, đồng thời, thêm một lần nữa phê phán, châm biếm thói hư, tật xấu trong xã hội.
Thưởng thức tác phẩm này, các văn nghệ sĩ, hội viên Hội Sân khấu Hà Nội bày tỏ phấn khởi được trải nghiệm hình thức thể hiện mới, đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực sáng tạo và ý tưởng táo bạo của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long. Nghệ sĩ nhân dân Bùi Thanh Trầm nhận định, với cách thể hiện kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, vở diễn góp phần đưa múa rối nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung đến gần hơn với khán giả, nhất là các bạn trẻ.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng góp ý để vở diễn được nhuần nhị, ăn khớp hơn giữa người hóa thân thành con rối và người điều khiển rối phía sau, thể hiện được đúng chuyển động của rối, duy trì được phong độ diễn xuất từ đầu đến cuối vở, tạo những trò rối ấn tượng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin