Cho tới giờ tôi vẫn nhớ tới bà như một người bà rất khó tính và nghiêm khắc. Tuy nhiên, thi thoảng trong kí ức tôi lại bắt gặp được đâu đó một đoạn thể hiện sự yêu thương và quan tâm của bà dành cho tôi.
Minh họa: Thanh Hạnh |
Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên gặp bà, khi tôi mới lần đầu bước vào công ty này làm việc. Phòng làm việc của công ty tôi thuê là nhà của bà, vì thế, bà là chủ nhà của chúng tôi. Vì là nhân viên mới nên tôi đến văn phòng công ty rất sớm, sau đó các nhân viên khác mới kéo tới văn phòng. Bà thường là người mở cửa cho nhân viên, bởi thế hôm ấy khi thấy đứa con gái có phần hơi rụt rè ngồi ngay bậu cửa bà đã đằng hắng: Chỗ công ty người ta mà ngồi ngáng đường thế này hả? Khéo mở hàng không ngon rồi.
Mặc dù tôi đã giới thiệu là nhân viên mới, nhưng phải đến khi có người cùng văn phòng tới xác nhận bà mới cho tôi vào trong, với lý do: Tao đâu biết mày là ai, tao như người quản gia của công ty này, cho mày vào nhỡ mất đồ ai chịu.
Các chị trong công ty hay bảo tôi: Làm gì thì cũng nên né bà ra, bà cứ như tai mắt của sếp ấy, đứng trên tầng quan sát xuống, không ưng điều gì là điện thoại cho sếp ngay. Ban đầu tôi chỉ nghĩ chắc các chị dọa, vì bà chỉ là chủ nhà, sao có thể làm gì ảnh hưởng đến mọi người trên công ty được. Nhưng qua vài lần, tôi để ý thấy khi chúng tôi làm việc mà không có sếp, hoặc sếp ra ngoài thì bà luôn đứng trên tầng, nhìn xuống xem chúng tôi có tập trung làm việc không. Bằng chứng là có một lần khi chúng tôi tranh thủ nghỉ giải lao tụ lại nói chuyện thì đã nhận được tin nhắn của sếp rằng có người “báo cáo lại” chúng tôi không tập trung trong giờ làm việc. Và khi ngẩng lên chúng tôi đều nhìn thấy bà. Cũng bởi thế không chỉ mọi người trong công ty mà ấn tượng về bà trong tôi cũng xấu.
Nhưng thi thoảng tôi lại thấy một bộ mặt khác của bà chủ nhà. Vì nhà xa nên tôi thường đi làm trước cả nửa tiếng so với mọi người, khi bà quen mặt thì cho tôi vào trước. cũng vì nhà xa nên tôi hay đi mua đồ ăn sáng ở dọc đường rồi tới công ty ăn. Sợ văn phòng có mùi đồ ăn nên tôi thường ra phía trước ăn, bà đi ra thấy thế gọi tôi xuống nhà dưới, hỏi:
-Sao mày không ăn trước ở nhà mà cứ lên ngồi trước cửa công ty ăn vậy?
-Dạ nhà con xa, con đi nửa tiếng mới tới công ty, ngày nào cũng lo tới muộn nên không dám dừng dọc đường ăn ạ.
Bà không nói gì, nhưng tôi để ý kể từ đó mỗi khi tôi tới công ty bà hay để ngỏ cửa sau, và dặn tôi xuống nhà dưới mà ăn, để khỏi phải ngồi chầu chực trước cửa công ty, vừa mất hình ảnh, vừa nhuốm bụi đường. Cũng nhiều lần vì dậy muộn vội đi làm, tôi không kịp mua đồ ăn sáng, bà để ý thấy đồ ăn không treo trên xe tôi, nên lúc tôi nghỉ giải lao giữa giờ, bà gọi xuống nhà dưới bảo: Tao còn ít bánh rán, tranh thủ giải lao ăn đi, không thì không có sức mà chạy xe về đâu. Dẫu thế, bà vẫn là một người rất nghiêm khắc, bà vẫn hay nói với chúng tôi khi đi ngang qua văn phòng:
-Chúng mày liệu mà làm cho tốt, không tao tố với sếp tất.
Kỳ thực tôi thấy giống như bà đang mặc định mình là quản gia của công ty thật, nên sếp không nhờ nhưng bà luôn đốc thúc chúng tôi làm việc. Nhưng có lần đi làm sớm, ở nhà dưới chỉ có bà và tôi, tôi mới thấy rõ sự cô đơn của người phụ nữ đã luống lục tuần. Căn nhà khá rộng và nhiều tầng chỉ có mình bà sống. Chồng bà mất cũng đã hơn chục năm, còn con cái khá giả thành đạt đều đang sống ở Sài Gòn hoặc Hà Nội, thi thoảng mới về thăm bà. Mỗi sáng bà thường trông ngóng điện thoại chỉ để chờ một cuộc gọi, hoặc có đôi khi tôi bắt gặp bà đang dở tay làm gì đó, nhưng chỉ cần nghe tiếng chiếc điện thoại bỏ quên ở tầng dưới reo là bà lật đật chạy mấy tầng xuống. Dường như niềm vui của người phụ nữ ấy chỉ quanh quẩn cuốc điện thoại con cháu gọi về, rất hiếm.
Văn phòng công ty tôi thuê ở đây mấy năm, cũng không ít khi bà đối xử tốt với chúng tôi như tháng một lần bà tự tay nấu đồ ăn, rồi bảo chúng tôi ở lại ăn. Bà nấu ăn rất ngon. Chúng tôi ăn nhưng vẫn bảo với nhau: Nay được ngày tốt đột xuất. Dường như ấn tượng xấu đã quá sâu nên ấn tượng tốt chỉ là một vì sao xẹt qua rồi để lại cả mảng tối trên bầu trời tiếp tục.
Sau đó ít lâu, công ty chúng tôi chuyển văn phòng. Ngày tạm biệt bà, kể cả sếp tôi cũng chỉ vài câu chào rồi đi. Riêng tôi cảm thấy muốn nói gì đó với bà nên nán lại đôi chút. Dường như bà cũng cảm thấy mất mát, lúc sau cùng bà chỉ nói với tôi:
-Bà không muốn đứa nào bị đuổi việc, nên mới hay nhắc nhở chúng mày. Giờ chúng mày đi cả, bà lại cô đơn rồi.
Không hiểu sao tôi lại thấy ứa nước mắt nhưng không nói thành lời. Tôi làm chỗ mới, thi thoảng có đi ngang qua căn nhà cũ thấy cửa im ỉm đóng. Một thời gian sau, tôi thấy một quán mì cay mọc mở ra ở đó, có lẽ bà lại cho thuê nhà, tôi thầm mong bà sẽ bớt cô đơn hơn khi nhà có người qua lại.
Lại bẵng đi thêm gần ba năm, một hôm khi lúc tôi tan làm, đột nhiên thấy hình bóng ai trông giống bà phía trước cửa công ty, lại gần thì quả thật là bà. Tôi bảo bà đợi tôi lấy xe rồi ra một quán nước gần đó trò chuyện. Bà bỏ chiếc khăn trùm đầu ra, tóc trên đầu bà đã rụng hết, bà bảo đó là hậu quả sau những đợt hoá trị. Bà khẽ mỉm cười:
-Tao đến đây tạm biệt mày để vào Sài Gòn điều trị ung thư. Khi nào về tao lại ghé thăm mày.
Đột nhiên, những kỷ niệm vui vẻ của mỗi buổi sáng dù ngắn ngủi bên bà bỗng trỗi dậy trong tôi một cách mãnh liệt. Nước mắt tôi rơi lã chã không rõ vì sao, có lẽ nó linh cảm tôi sẽ không bao giờ gặp bà chủ nhà thêm một lần nào nữa…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin