Cô phóng viên và tình yêu với đảo

Huỳnh Thị Kim Cương (Kiên Giang) 17:22, 20/06/2023

Những cơn mưa bất chợt là thứ chẳng bao giờ được chờ đợi, nhất là đối với cánh phóng viên như Nga. Biết bao lần mưa làm những dự định của Nga dang dở, máy móc phải bảo quản thật kỹ mới tránh bị ướt. Nhưng điều đó còn chưa tệ hại bằng việc phải lỡ hẹn với nhân vật, lỡ một khoảnh khắc “đắc” và có khi là lỡ một chuyến về giữa bản làng hoang vu.

Đảo Tốc Tan B nằm trên bãi Tốc Tan, thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa (Ảnh: Mai Thanh Hải)
Đảo Tốc Tan B nằm trên bãi Tốc Tan, thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa (Ảnh: Mai Thanh Hải)

Nga từng nghĩ mình đã đã có một quyết định sai lầm, khi chọn làm nghề báo. Những vất vả, gian khổ và cô đơn khiến cô như muốn chùn bước. Bởi như theo lời của mẹ, với năng lực hiện tại cô có thể hoàn toàn chọn một công việc văn phòng mà chẳng cần phải băng rừng, vượt suối, đi đến những vùng sâu vùng xa để tác nghiệp. Nhưng những con đường như có một lực hút, khiến cô phải xách ba lô lên và đi.

Bố của Nga là một nhà báo về hưu nên ông hiểu cho cái “nghiệp” của con mình. Ông chẳng bao giờ càm ràm trước buổi công tác xa nhà, trước làn da bắt nắng đen dần đi, trước đôi giày không thể nhận ra nó đã từng có màu gì. Điều khiến ông bận tâm là những gì con gái viết.

Nga bỗng thấy lòng mình như được thắp thêm ngọn lửa ấm bởi những lời động viên của bố. Là khi bố Nga dày công cất giữ những bài báo của cô, là những lúc ông vỗ đùi suýt xoa về một bài viết hay dám nói lên điều cần nói, là bùi ngùi một lúc lâu trước những mảnh đời khốn khó. Chừng ấy cũng đủ cho Nga bước tiếp, để thấy chẳng bao giờ mình lẻ loi…

Nga đưa tay hứng mưa. Cơn mưa ngoài trời đang dần tạnh, sóng cũng thôi vỗ mạnh, những bóng nước loang lổ trên đường. Vài gương mặt người mỏi mệt bắt đầu rời đi sau trận mưa dài. Những chiếc tàu đánh cá hiện ra dưới làn mưa lất phất, những lá cờ rách bươm không biết đã ở đó bao lâu. Còn chưa kịp dứt ra khỏi những suy nghĩ miên man về cảnh vật trên đảo. Bỗng điện thoại của Nga reo lên. Đầu dây bên kia là một giọng nói trầm nhưng ấm áp đến lạ thường.

- Cô nhà báo đang ở đâu? Tôi đang trên đường đón cô.

Mất mấy giây để tìm cách định vị chỗ mình. Nga ngó lên tấm biển trên đầu mình rồi trả lời.

- Tôi đang đứng trú mưa ở quầy vé Như Ngọc.

Năm phút sau, chàng trai được phân công đến đón cô có mặt. Anh đưa cho Nga mũ bảo hiểm rồi xách hành lý để lên xe. Nga ngồi sau lưng anh, mắt không ngừng nhìn ngó cảnh vật trên đường. Nắng cũng dần lên, lấp ló sau những tán cây vòng quanh đảo. Những cơn gió biển mang hơi lạnh khiến Nga khẽ rùng mình. Chàng trai cho xe chạy chậm, chỉ tay về phía cái quán nhỏ bên đường.

- Bánh canh ở đây rất ngon. Cô có muốn viết thì bữa sau nhớ ghé lại.

Lúc đó, Nga cũng không biết viết gì về quán bánh canh đó nhưng cô cũng khẽ gật đầu đồng ý. Chàng trai dừng xe thả Nga xuống nhà nghỉ nằm cạnh mé biển. Anh nở nụ cười tươi rói:

- Cúp điện từ đây cho tới chiều. Buổi tối có chạy máy phát điện, chắc cô ngủ không quen.

Nga gật đầu cảm ơn anh. Lúc này, cô mới có dịp nhìn anh rõ hơn. Một chàng trai cao ráo, mắt to kèm theo nụ cười rạng rỡ. Thái độ hoạt bát và chu đáo của anh làm Nga thấy ấm lòng. Nga đặt hành lý xuống chân ngước mắt nhìn anh.

- Ở đây thuê xe ôm ở đâu anh?

Chàng trai ôm mũ bảo hiểm vào lòng mỉm cười:

- Anh của em giao em cho anh. Anh đâu dám để em đi một mình. Khi nào em muốn đi đâu thì gọi vào số hồi nãy cho anh.

Nga nhìn anh mỉm cười, mắt long lanh trong những tia nắng vàng sau mưa.

- Em nghe anh Minh kể nhiều về anh mà giờ mới có dịp gặp mặt.

Chàng trai tỏ vẻ bất ngờ rồi quay sốt sắng.

- Thằng bạn chí cốt có kể xấu gì về anh không vậy?

Nga khẽ gãi đầu.

- Cũng có đấy anh Nam.

Chàng trai có vẻ bất ngờ về thông tin trên, kể cả việc Nga còn biết tên mình. Hai người chia tay nhau trong nuối tiếc. Bầu trời sau mưa như được giội rửa, thanh sạch và mát lành. Nga nhận phòng rồi quăng mình xuống giường. Có thiếp đi lúc nào không hay.

***

Nam chở Nga đi vòng quanh đảo. Những câu chuyện cứ nối dài theo mỗi đoạn đường qua. Nam kể cô nghe nhiều về nếp sống trên đảo, về những ngày lễ cúng cá Ông, về những người vợ chờ chồng đi biển… Nga ngồi im như nuốt từng lời kể của anh. Bỗng dưng Nam dừng lại.

- Anh nói nhiều quá, có phiền em không?

Nga vỗ vào vai anh.

- Dân làm báo như tụi em chỉ mong có người nói cho mình nghe đó anh. Có anh làm thổ địa, về nhà em viết mệt nghỉ.

Nam lại bắt đầu kể những câu chuyện khác. Qua lời kể, Nga có thể cảm nhận được anh yêu nơi này đến nhường nào. Tưởng như từng gốc cây, ngọn cỏ đều trở nên thân thuộc với anh. Tự dưng Nga lại muốn viết gì đó về anh, về một thanh niên trẻ từ bỏ cuộc sống thị thành đến nơi bốn bề sóng nước. Nam dừng xe vào quán nhỏ ven đường, chỉ tay vào buồng dừa.

- Uống thử dừa ở đảo có khác gì không nha.

Vừa ngồi vào bàn, Nga nhìn anh hỏi khẽ:

- Anh sống ở đây quen chưa?

Nam hướng mắt nhìn về phía biển, nơi có đàn chim chao liệng trên nền trời xanh biếc.

- Ban đầu có chút không quen. Nhưng giờ thì quen rồi. Người dân ở đảo thương lính biên phòng tụi anh như con cháu trong nhà.

Nghĩ, chính cái tình của người dân xứ đảo là thứ keo hồ bền chặt nhất, gắn kết giữa người với người lại với nhau. Những nụ cười tươi, những cái khẽ gật đầu chào nhau dù chẳng biết nhau từ trước, những tiếng sóng du dương vẫn vang lên bất tận…

- Rồi em định viết về điều gì? – Nam chợt hỏi.

Nga mỉm cười tinh nghịch.

- Thì em định viết về anh?

Nam phát tay, cúi mặt nhìn xuống đất. Dường như anh đang nở một nụ cười trong vắt.

- Anh có gì đâu mà viết chứ?

- Anh thấy không có thôi. Em thấy có là được rồi.

Nam nở nụ cười khoái trá.

- Nhưng anh không nói gì sao em viết được?

Nga nói rồi cười thích thú.

- Anh quên anh Hai em là chí cốt với anh sao?

***

Bài báo về chàng lính biên phòng bám đảo, tháo vát trong công tác, nhạy bén trong nhiệm vụ làm xốn xang biết bao nhiêu bạn đọc. Kể từ đó, mỗi khi nhìn lại bài báo, lòng Nga lại dấy lên niềm xúc động khôn nguôi. Tự dưng Nga lại thấy nhớ cái lành lạnh của đảo, cái nắng chói rát da rát thịt, nhớ tiếng sóng vỗ ầm ào vào khẽ đá, nhớ nụ cười hiền của những con người đôn hậu, chất phác xứ đảo. Nga bắt đầu “lấy tin” của Nam từ anh Hai. Nam cũng dò hỏi tình hình của Nga thông qua những cuộc trò chuyện hằng ngày. Còn anh Hai Minh bỏ cuộc khi không muốn làm “máy liên lạc” giữa hai người bằng câu nói chắc như đinh đóng cột.

- Hai đứa bây có gì thì nói với nhau. Bày đặt hỏi qua hỏi lại. Chơi trốn tìm à?

Sau lần đó, Nam chủ động hỏi han Nga nhiều hơn. Những câu chuyện vui buồn được san sẻ cho nhau. Mỗi ngày Nga như được tiếp thêm nguồn sức mạnh từ Nam, khiến mỗi bước chân đi của mình, Nga không còn cảm thấy lẻ loi.

Hôm đoạt giải báo chí quốc gia về loạt bài viết về xứ đảo, Nga òa khóc mà không biết vì lẽ gì? Nga gọi điện thông báo cho Nam mà cảnh vật và con người xứ đảo như đang hiện trước mặt mình. Mẹ Nga cũng thôi càm ràm về những sự vất vả mà con gái phải trải qua. Bố cô cũng gật gù trước những điều Nga viết. Bởi chỉ có sự yêu thương và thấu hiểu con người ta mới viết nên những dòng chữ đủ sức lay động lòng người.

***

Chuyện tình đẹp của cô phóng viên và chàng lính biên phòng kết thúc bằng đám cưới ngọt ngào trong sự chúc phúc của mọi người. Hôm đưa dâu ra đảo, ngồi trên tàu mà Nga không ngừng nhớ về cảm giác lần đầu khi cô đặt chân đến đảo. Từng ký ức hiện lên như vừa mới hôm qua đây thôi. Nga nép vào lòng Nam giữa những con sóng trắng vỗ vào thân tàu.

Rồi sáng mai đây, cư dân trên đảo sẽ đón thêm một thành viên mới. Xứ đảo lại có thêm một nụ cười, có thêm những bài viết cho xứ đảo gần hơn với đất liền, cho những chuyến đi về đầy ắp những yêu thương…