Tại Thái Nguyên, các cuộc triển lãm mỹ thuật diễn ra khá đều đặn, đặc biệt là trong những năm gần đây, nhưng triển lãm mỹ thuật cá nhân thì còn rất hiếm. Và lần này, “mở màn” sau nhiều năm vắng bóng là triển lãm mỹ thuật với 50 tác phẩm hội họa có chủ đề “Miền xa thẳm” của Họa sĩ Hoàng Báu (Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật TP. Thái Nguyên), sẽ trình làng vào dịp kỷ niệm 61 năm thành lập TP. Thái Nguyên (19-10).
Những cảm xúc, những gì ẩn chứa sâu thẳm trong lòng, không thể nói bằng lời thì Họa sĩ Hoàng Báu tìm cách gửi vào tranh. Đó là điều anh nghĩ – làm, muốn chuyển tải đến giới hâm mộ và công chúng yêu hội họa.
Dưới góc nhìn của giới chuyên môn thì đây là triển lãm mang phong cách rất riêng và khá độc đáo. Phần lớn tác phẩm sẽ được trưng bày là tranh phong cảnh, chủ yếu về đề tài miền núi - dân tộc, với lối vẽ hiện thực và ấn tượng, và đây cũng chính là phong cách của Họa sĩ Hoàng Báu.
Ấp ủ và có kế hoạch khá lâu, nên các tác phẩm được anh dày công, tâm huyết đầu tư, với những chuyến trải nghiệm thực tế ở nhiều vùng miền từ Nam ra Bắc. Đặc biệt là ở những miền quê non xanh nước biếc của núi rừng các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc: Cao Bằng, cao nguyên đá Hà Giang, Y Tý, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu... “Miền xa thẳm” một lần nữa tái hiện phong cảnh theo cảm xúc, phong cách và lối tư duy rất riêng của anh.
Miền xa thẳm (tác phẩm của Họa sĩ Hoàng Báu). |
Một ngày đầu tháng 10, giới văn nghệ sĩ chúng tôi “tập kết” ở Gallery của Họa sĩ Hoàng Báu tại nhà riêng. Đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm, nhưng anh vẫn dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về “Miền xa thẳm”: Làm triển lãm cá nhân lần này là sự cố gắng và quyết tâm rất lớn của tôi. Phần lớn tác phẩm tôi tìm, chọn và vẽ ở miền núi, những nơi xa xôi, hẻo lánh. Với anh em họa sĩ đó mới là những nơi đáng đến và đáng vẽ. Tôi rất mê phong cảnh, đặc biệt là miền núi. Đi nhiều, đến nhiều, ở vùng đất nào tôi cũng thấy con người gần gũi, thân thiện và mộc mạc. Cảnh vật ở miền núi, vùng cao cũng rất riêng và độc đáo, hoang sơ, thơ mộng. Những dãy núi đá hùng vĩ, trùng điệp, ẩn hiện trong sương khói, chạy tít tắp, huyền ảo, quyến rũ đến nao lòng. Những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng óng trải dài, uốn lượn, đều tắp, tầng tầng lớp lớp, uyển chuyển ôm vào đồi, vào núi như vẽ vào thiên nhiên bức tranh thơ mộng và thanh bình. Vẻ đẹp đó là từ cuộc sống lao động và những bàn tay, khối óc của bao thế hệ con người trải qua rất nhiều năm đã tạo, tạc vào thiên nhiên. Đó cũng chính là duyên cớ để lần này tôi có nhiều tác phẩm về phong cảnh - miền núi trình làng.
Lướt qua loạt tranh, mỗi tác phẩm một vẻ, chúng tôi cảm nhận cách anh diễn tả thiên nhiên và gửi gắm cảm xúc, tư duy của mình vào tranh rất hiện thực, rất ấn tượng, đúng như phong cách hội họa của anh.
Anh chắt lọc những gì tinh túy nhất từ thiên nhiên để đưa vào tranh, tự nhiên và tinh tế; bố cục, bút pháp, màu sắc hài hòa và đẹp. Các tác phẩm hoàn toàn không chép lại thiên nhiên như nó vốn có, mà họa sĩ đã làm mới thiên nhiên qua tư duy, cách thể hiện và con mắt nghệ thuật.
Đêm trăng cao nguyên đá (tác phẩm của Họa sĩ Hoàng Báu). |
Chiêm ngưỡng tranh của anh, ta lại càng thấy con người nơi đây hòa trộn cùng nhịp sống thiên nhiên, như thấy cả âm thanh trong vắt của suối sâu, sự tinh khiết của núi rừng...
Lặng lẽ chiêm ngưỡng một số bức tranh khá ấn tượng, Họa sĩ Nguyễn Đông (hội viên Hội Văn học, nghệ thuật TP. Thái Nguyên) tâm đắc: Thiên nhiên trong tranh của Họa sĩ Hoàng Báu như ẩn chứa cả nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Mỗi tác phẩm là một cách anh đưa cảnh vật và cuộc sống con người vào tranh, nhẹ nhàng như giai điệu, âm hưởng của núi rừng. Phong cách vẽ tung tẩy, gồ ghề góc cạnh rất thoải mái, không gò; có những gam màu trầm mà êm nhẹ, không rực rỡ nhưng lại đằm, thắm.
Một số tác phẩm vẽ về Hà Giang, cao nguyên đá..., khiến người xem cảm nhận rất rõ truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa ở trong tranh. Những mái nhà ngói máng rêu phong thấp thoáng, những hàng rào đá vững chãi và độc đáo uốn lượn ôm lấy những ngôi nhà. Có bức lại chấm phá một vài nương ngô, nương rau, nương lúa... trên những vạt đồi, núi xen lẫn đá lô nhô, điểm xuyết những con người nhỏ xíu, chân trần lầm lũi bấm đá ngược núi.
Đó là cách thể hiện ngôn ngữ hội họa rất tinh tế để nói lên nghị lực phi thường của con người nơi đây không chịu khuất phục vùng đất “toàn đá”... Có lẽ những cảm xúc mạnh mẽ từ hiện thực đã sản sinh ra những tác phẩm: “Miền xa thẳm”, “Thung lũng”, “Lối về”, “Góc làng”, “Đêm trăng cao nguyên đá”...
Lối về (tác phẩm của Họa sĩ Hoàng Báu). |
Trở lại với triển lãm cá nhân sắp diễn ra, chúng tôi được biết, đây là lần triển lãm cá nhân thứ hai của Họa sĩ Hoàng Báu (lần đầu vào tháng 11-2008). Niềm vui xen lẫn sự phấn chấn, anh bảo: “Sau triển lãm này, tôi vẫn phải tiếp tục vẽ. Hễ còn đi được, vẽ được là tranh thủ. Đam mê và nghiệp chướng là thế”.
Chia tay chúng tôi, Họa sĩ Hoàng báu thông tin nhanh, triển lãm cá nhân của anh sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 20/10/2023, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Dẫu có thể chưa đáp ứng được những mong mỏi và kỳ vọng của giới hâm mộ về chất lượng nghệ thuật, nhưng anh hy vọng được công chúng, những người yêu mỹ thuật đón nhận, sẻ chia.
Riêng tôi, rời phòng tranh của Họa sĩ Hoàng Báu, cứ nghĩ mãi về những bức tranh đầy ấn tượng của anh. Có lẽ mỗi bức tranh là một món quà của lao động sáng tạo nghệ thuật, của trải nghiệm mà họa sĩ muốn gửi tới đông đảo công chúng. Hơn thế, triển lãm cũng là một đóng góp nhỏ trong những hoạt động lớn chào mừng tuổi 61 của Thành phố thép, và tôi tin triển lãm cũng sẽ góp phần khẳng định sự cống hiến, vai trò, trách nhiệm của văn nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng trong xây dựng đời sống văn hoá tinh thần hôm nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin