Đàn gà quý tộc

Truyện ngắn của Hoàng Thị Hiền 09:53, 17/12/2023

Ông Lực gọi cái cần câu cơm của cả nhà năm miệng ăn như thế mỗi khi có người hỏi. Ở bản Nà Han này, người ta nói ông bị hâm. Chắc từ vụ bị xe ô tô húc vào hồi cách đây 5 năm, cụt mất chân trái, gãy hai xương sườn, cái sẹo dài cắt dưới hốc mắt để nẹp đinh đã giữ ông lại căn nhà cuối bản, quẩn quanh với cái vườn, cái ao.

Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Vợ bỏ đi biệt sau khi biết chồng là người tàn phế, một mình nuôi bốn đứa con đang tuổi lớn khôn. Sau cuộc họp bản cuối năm ngoái, tất cả mọi người đều nhất trí xếp nhà ông Lực vào danh sách hộ nghèo. Ông Lực lại xua tay:

Cảm ơn các ông, các bà, tôi còn trẻ, chưa tới năm mươi đâu! Mình còn sức và được Nhà nước hỗ trợ vốn như thế này thì nhường các hộ khác, bà Đeng chẳng hạn, bà ở một mình, nay ốm mai đau nếu không thì nhà cậu Ngọ, cậu ấy cũng bị tai nạn giao thông như tôi, tay chân lành lặn nhưng bị liệt phải ngồi xe lăn, mẹ hết tuổi lao động. Tôi không đi làm thuê, bóc vỏ keo được thì làm việc khác, chỉ sợ lười thôi. Nếu tôi chịu khó, cái nghèo không đáng sợ đâu.

Nói là làm, ông Lực lấy luôn bìa đỏ của mình ra ngân hàng thế chấp lấy hai trăm triệu đồng về làm vốn chăn nuôi. Nhưng mấy năm rồi, dịch bệnh như cái miệng hố nuốt hết những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bà con ở cả xã này, nào dịch tả châu Phi, tai xanh, gà rù, viêm da nổi cục,... Cái thời gì mà sinh ra lắm thứ bệnh. Đến con người cũng bị dịch COVID-19 hành cho ế ẩm cửa hàng, sức khỏe giảm sút, thậm chí, giá cả cũng nổi phập phù dù dịch đã được kiểm soát tốt và trong người ai cũng có đến ba, bốn mũi vắc-xin. Cái Thanh - con gái lớn thấy ông ngồi thừ ra trước mâm cơm, thẽ thọt hỏi:

- Bố tính làm gì với số tiền đấy ạ?

- Còn làm gì nữa, chăn nuôi, trồng trọt thôi con. Đất này sẽ nuôi sống cả nhà ta.

Ông Lực mua vôi bột về rắc trong chuồng, ngoài vườn. Tầm một tháng sau, ông đi bắt những con gà giống Mông đen về nuôi nhốt. Bên huyện tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật đệm lót sinh học trong chăn nuôi, ông đem theo sách vở đi học không bỏ sót buổi nào. Chị em cái Thanh đứa học sáng, đứa học chiều thay phiên nhau đi cắt cỏ cho cặp bê mới bắt. Thú y vừa tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục nên ông cũng yên tâm.

Trăng đã lên tận đỉnh đầu, anh Ngọ đẩy xe lăn sang sân nhà chơi, ông Lực vẫn hí húi với đống trấu, mùn cưa trộn men vi sinh. Anh Ngọ bảo:

- Ngày mai, bác đi Sơn Dương học hỏi kinh nghiệm nuôi gà thì sang rủ mẹ em với nhé. Có bác, em mới yên tâm, bà say xe lắm.

- Ừ, tôi cũng muốn xem người ta sao mà giỏi thế. Chỉ chăn nuôi thôi mà mỗi năm thu lãi mấy trăm triệu. Mình cứ theo cách các cụ chẳng mấy lại cụt vốn. Anh ở nhà, nếu thấy trời chuyển mây đen thì sang kéo hộ tôi hai góc bạt này đậy đống men ủ lại. Đã một lớp bạt rồi nhưng sợ mưa ngấm xuống thì hỏng hết.

***

Từ buổi đi Sơn Dương về, ông Lực vui vẻ hẳn. Chị em cái Thanh dọn hết số cỏ dại trong vườn để trồng khôi tía, khôi trắng, tía tô, khổ sâm, xuyến chi, xả, đinh lăng... Cái chân giả của ông chẳng ở yên chút nào, hết sang khu chuồng nuôi lại sang chỗ chế biến thức ăn.

Dần dà, ông bắt về gây được hơn một trăm con gà mái đen. Số gà nhỏ gần năm trăm con thì nuôi bộ từng khu riêng biệt để tiện tiêm cho gà một số vắc-xin phòng dịch và theo dõi. Ông Ban - người cùng bản ngày trước vốn đi bóc gỗ keo thuê trên Định Hóa với ông xách chai rượu sang cổng đòi mở khóa vào ngồi cà kê, ông Lực từ chối. Ông Ban lè nhè:

- Cái đầu của ông chắc có vấn đề. Tôi vừa thấy con trai tôi đào hố chôn một đống gà ở sau vườn vải, ông lại đi bắt cho lắm gà vào. Cứ ở đấy với bọn quý tộc của ông nhé. Chè tam, rượu tứ, vắng ông, tôi phải tìm... cạ khác.

Đành vậy chứ sao, nhà ông ấy đang có dịch dễ lây theo dấu chân người, chuồng trại chăn nuôi càng hạn chế đến thăm nom. Dần dà, những nếp nhăn trên mặt ông Lực giãn ra khi gà ngày một lớn. Đêm đêm, những nồi thóc nấu với nước thảo dược thơm ngào ngạt góc bản Nà Han. Để tăng cường sức đề kháng cho chúng, nước uống còn được ông cho thêm tỏi. Ông nuôi nhiều gà nhưng chuồng không bị hôi vì đã có đệm lót.

Hội Nông dân xã cử cán bộ đến đánh giá mô hình phát triển kinh tế, họ đã giúp ông Lực kết nối được cửa hàng thực phẩm sạch dưới Hà Nội đặt hàng lâu dài khi có gà bán. Ngày gọi cuộc điện thoại đầu tiên, mũi ông cay xè vì xúc động. Bao công sức của năm bố con cũng đến ngày được đền đáp. Cầm số tiền đi trả cả gốc cả lãi ngân hàng, ông Lực thấy mình từ chối làm hộ nghèo là đúng. Cái chân không còn thì đã có chân giả. Bác sĩ và mảnh đất này đã chữa lành cho ông, các con như điểm tựa để vượt qua năm tháng chông chênh của người thiếu đi bàn tay người vợ. Vừa ký xong giấy vay vốn lần hai để mở rộng thêm chuồng trại, mua thêm bò, ông Lực nhận liên tiếp hai cuộc điện thoại:

- Alo, bác Lực ở Nà Han ạ? Bác còn gà thảo dược không để cháu mấy chục con?

- Bác Lực ơi, nấu lá tía tô cho gà ăn chúng có bị nóng mà đi phân lỏng không? Tối nay, cháu gọi video vào zalo của Thanh, bác hướng dẫn cháu rõ hơn nhé.

Người nông dân cũng có lúc bận rộn như thế. Vừa tập tễnh đi vừa nói chuyện, ông quên ghé vào quán cắt tóc. Thể nào, con bé Thanh cũng nhắc vì mai đã đến ngày đi họp phụ huynh ở trường. Thôi thì, đành để đến tối vậy.

Nuôi gà chăn thảo dược không khó, khó nhất là tìm nơi bán được gà. Bây giờ đã có nơi đặt mua mà gà nhà ông thì cũng phải đủ ngày đủ tháng thịt mới thơm ngon được, tại sao không rủ thêm những hộ nghèo cùng chăn nuôi nhỉ? Ông nghĩ đến mẹ con nhà anh Ngọ. Anh ấy có tay nghề làm đèn Trung thu nhưng chỉ bán thời vụ trong khi năm dài tháng rộng. Nhà ông Ban cũng thuộc diện hộ nghèo… Vừa đi vừa nghĩ, chẳng mấy chốc, ông Lực đã đến cổng, căn nhà dậy mùi hương của thảo dược, ông biết rằng con gái đã đi học về.


Từ khóa:

Đàn gà quý tộc

truyện ngắn