Lần đầu theo bạn trai về nhà ra mắt gia đình, tôi khá bối rối. Tuy nhiên, người mẹ chân chất, gần gũi của bạn trai đã khiến tôi không còn cảm thấy ngại ngùng. Sau này, khi trở thành con dâu bà, tôi luôn được bà quan tâm hết mực. Có những lúc, với bản tính trẻ con, tôi còn “bật” mẹ chồng tanh tách. Dù vậy, bà chưa bao giờ mắng tôi nửa lời. Sự quan tâm của bà khiến tôi cảm thấy rất ấm lòng.
Trong 4 tháng đầu mang thai cậu cả, tôi luôn trong tình trạng mệt mỏi, kém ăn và rất thèm ngủ. Mẹ bảo với tôi rằng, phụ nữ mang bầu có nhiều người nghén ngủ. Vì thế, khi nhà có giỗ hoặc có công to, việc lớn, mẹ không bắt tôi làm gì cả. Khi tôi vừa lê thân xuống bếp, mẹ “đuổi” tôi lên giường ngủ tiếp. Vì thế, không ít cô, chú và lũ em họ bên chồng rất “bất bình” với kiểu chiều con dâu của mẹ!
Ngày tôi trở dạ, mẹ vội vàng “phi” chiếc cub 82 xuống bệnh viện lo cho con dâu trong tiết trời tháng 7 nóng nực, nhiệt độ lên đến gần 40 độ C. Hôm ấy, mẹ bỏ dở việc ở trường để xuống thành phố đón cháu đích tôn nhưng vì cuộc sinh nở của tôi quá nhanh nên lúc mẹ đến nơi, thằng cu đã ra đời được hơn một giờ đồng hồ. Bế cậu cả trên tay, khuôn mặt mẹ tràn ngập hạnh phúc khi chỉ trong một tháng, bà vừa có cháu ngoại (là con gái) và cháu nội.
Lúc con trai tôi còn nhỏ, tuần nào mẹ cũng gửi trứng, thịt gà, rau, củ, quả do mẹ nuôi, trồng được từ Đại Từ về thành phố cho cháu nội và con dâu. Với mẹ, sau khi sinh nở, con dâu môi thắm, má hồng; thằng cháu đích tôn mũm mĩm, đáng yêu chính là niềm vui và hạnh phúc của mẹ.
Nhớ có lần vào dịp 8-3 (ngày Quốc tế Phụ nữ), tôi mua tặng mẹ hai miếng vải để mẹ may bộ quần áo diện đi làm. Mẹ cầm quà con dâu tặng mà đôi mắt lấp lánh niềm vui. Đúng là nước mắt chảy xuôi, mẹ lo cho vợ chồng tôi rất nhiều thứ, từ việc tậu xe máy, mua đất, xây nhà... nhưng lại thấy món quà nhỏ của tôi rất ý nghĩa...
Lúc chuẩn bị đón dâu thứ, mẹ muốn may chiếc áo dài mới. Tôi đưa mẹ đến tiệm may mà "mồm năm, miệng mười" nói cười không ngớt. Bà chủ tiệm may cứ nghĩ tôi là con gái của mẹ. Khi biết là mẹ chồng, nàng dâu, bà chủ rất ngạc nhiên vì sao mẹ con tôi lại thân thiết như vậy. Mẹ cười tít mắt vì lời khen ấy và tôi biết mẹ rất vui vì những giây phút thân thương này...
Gần 23 năm làm con dâu của mẹ, những câu chuyện giữa mẹ chồng nàng dâu có biết bao nhiêu kỷ niệm vui - buồn. Thương con dâu, mẹ nhận hết mọi việc về mình. Mỗi lần gia đình có công việc, mẹ chỉ mong con dâu về cho đông đủ chứ không bắt tôi phải động chân, động tay bất cứ thứ gì. Nhiều khi tranh thủ buổi chiều muộn, vợ chồng tôi đưa các con về ăn cơm với ông, bà nội. Dùng bữa xong, mẹ không cho tôi dọn dẹp bát đũa mà “đuổi” vợ chồng tôi về sớm kẻo bọn trẻ không kịp làm bài tập...
Cuộc sống mà, không ai tránh được những lúc hờn giận. Không ít lần giận chồng, tôi im ỉm cả một “đoạn thời gian” không về thăm mẹ. Lần nào từ quê về, lũ trẻ cũng bảo bà nội cứ nhắc mẹ suốt. Rồi chúng đưa cho tôi gói đồ ăn to tướng, nào xôi, đùi gà, hoa quả: - Cái này bà bảo chúng con mang về cho mẹ! Những lúc như vậy, tôi cảm thấy trong lòng dâng trào bao cảm xúc!
Một ngày trung tuần tháng Chạp năm 2023, tôi nghe em chú báo tin mẹ mắc trọng bệnh mà như sét đánh ngang tai. Lúc nghe tin dữ, lòng đau như cắt, mẹ ngồi ngoài cửa nhà tôi mà không hề biết gì về tình trạng bệnh của mình. Bà vẫn dặn tôi phải trồng rau ở khu vườn kế bên để cho cỏ không mọc...
Tôi luôn hy vọng sẽ có một điều kỳ diệu nào đó đến với bà. Ngày qua ngày, mẹ mỗi ngày một yếu đi khiến niềm hy vọng của chúng tôi cũng dần trở nên mong manh. Và rồi, những ngày cuối cùng của mẹ, tôi về quê nhiều hơn. Sau khi chồng tôi gội đầu cho mẹ, tôi lại giúp mẹ sấy tóc cho nhanh khô. Sự hòa thuận ấy khiến mẹ vui lắm! Tôi tâm sự với mẹ biết bao chuyện trên trời, dưới bể.
Lúc ấy, câu chuyện giữa tôi và mẹ giống như hai người phụ nữ tâm sự cùng nhau, hiểu nhau, đồng cảm với nhau chứ không còn khoảng cách mẹ chồng - nàng dâu. Từ những lời nói của mẹ, tôi càng hiểu tâm tư của bà và trách bản thân khi chưa dành nhiều thời gian về với mẹ.
Cũng từ những tâm tư của mẹ, tôi cảm nhận được một sự thương yêu mà mẹ dành cho tôi. Đó là một tình cảm rất đỗi đặc biệt mà cho đến khi mẹ trút hơi thở cuối cùng, tôi mới cảm nhận hết được. Mọi người bảo hôm ấy mẹ rất mệt, mẹ rất muốn đi xa nhưng mẹ vẫn cố gắng chịu đựng những cơn đau dày vò để đợi dâu cả về. Tôi òa khóc trong đau đớn khi phải chứng kiến mẹ từ biệt cõi nhân gian.
Bây giờ, mẹ tôi đã đi xa. Điều khiến tôi tiếc nuối nhất chính là những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời mẹ, vì những bộn bề công việc, cuộc sống và cả những tâm tư không nói thành lời nên tôi ít có dịp về thăm mẹ. Khi ngồi viết những dòng chữ này, trong lòng tôi đang thổn thức, sống mũi cay cay, đôi mắt ướt lệ. Tôi cứ ước ao giá như mẹ sống thêm cùng bố và chúng tôi vài năm nữa; giá như tôi thường xuyên về thăm mẹ nhiều hơn, tôi đã không có cảm giác đau lòng và nuối tiếc như thế.
Thời gian là phương thuốc màu nhiệm để chữa lành những vết thương lòng, nhưng thời gian cũng thật là tàn nhẫn khi biến những thứ đã qua thành kỷ niệm. Thời gian một đi không trở lại và tất thảy mọi người đều không biết ngày mai của mình sẽ ra sao. Những trải nghiêm của quá nửa đời người đã giúp tôi hiểu rằng, chúng ta, chỉ có thể đối xử tốt với nhau khi còn được sống những tháng ngày tươi đẹp. Thế nên mọi người hãy yêu thương, trân trọng thật nhiều những giây phút ở bên nhau; hãy dành cho người thân của mình sự quan tâm đủ đầy nhất có thể, để mỗi chúng ta không phải hối tiếc về khoảng thời gian đã qua...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin