Bây giờ thì lão đã chết. Sau ngày lão tắt thở, các con, các cháu đã lôi từ căn phòng của lão khoảng trên một tạ giấy vụn mang ra đốt. Nói giấy vụn nhưng thực ra đó là những trang bản thảo thơ trong ba mươi năm miệt mài sáng tác của lão mà cho tận ngày nhắm mắt xuôi tay, vẫn chưa có một bài thơ nào được đăng báo.
Tôi chỉ được gặp lão đúng một lần.
Hôm ấy, đang ngồi ở phòng biên tập thì lão xuất hiện, chỉ vài soải chân, đã đứng sững ngay trước mặt tôi.
- Anh có nhận được bản thảo của tôi gửi đến không?
Tôi ớ người, có phần hơi hoảng. Câu hỏi như hỏi cung của lão dự báo một chuyện chẳng lành.
- Thưa bác…
Chẳng để tôi nói hết câu, lão tuôn một tràng:
- Đúng năm cân bản thảo! Anh hiểu không? Lần thứ nhất, hai cân. Lần thứ hai, ba cân.
Tôi hoảng. Chết! Những năm cân bản thảo! Ở tòa soạn nhỏ này quả là chưa từng thấy. Tôi nhã nhặn:
- Thưa bác, tòa soạn chưa bao giờ nhận được một… khối lượng bản thảo như vậy.
Lão ngồi thụp xuống ghế, mặt trắng bệch.
Tôi vội dời bàn làm việc, đến ngồi đối diện với lão, lựa lời:
- Bản thảo của bác hẳn phải là tiểu thuyết bộ hoặc kịch bản phim truyện dài tập?
Lão thều thào:
- Không! Những thứ đó tôi không dỗi hơi... Bản thảo của tôi là thơ, một loại văn chương tinh túy, cao sang, anh hiểu không?
Rồi lão rên rỉ một cách đầy đau đớn:
- Vậy là con nhân viên bưu điện xã đã hại tôi rồi.
Tôi an ủi:
- Không sao bác ạ. Bác có thể trực tiếp gửi bản thảo đến tòa soạn.
Lão vò đầu:
- Tôi biết! Nhưng còn tính thời gian nữa chứ. Nhà lại cách thành phố bảy chục cây số. Già rồi, không phải cứ muốn là đi được. Hôm nay, tôi đến là để xem bản thảo có cần sửa gì không. Vậy mà…
Lão đập tay cái “rầm” xuống mặt bàn:
- Tôi sẽ kiện!
Tôi hoảng:
- Bác kiện…ai …?
- Là cái con nhân viên bưu điện ấy chứ còn ai nữa. Tôi biết thóp vì sao nó không chuyển bưu kiện cho tôi rồi.
Lão nhìn vào mắt tôi:
- Chẳng giấu gì anh, cái con nhân viên bưu điện ấy là cháu tôi. Lúc nào nó cũng dọa: “Ông cứ suốt ngày làm thơ, sẽ có ngày đứt mạch máu não mà chết đấy”. Đúng là cái đồ văn hóa lùn.
Tôi vội nói:
- Bác lấy tình ông cháu, tha cho cô ấy. Lần sau, bác lên bưu điện huyện gửi, bảo đảm sẽ đến.
Lão gật gù:
- Anh nói phải! Có điều, khi nhận những tác phẩm của tôi, mong anh đọc và góp ý thật kĩ lưỡng.
Tôi vui vẻ:
- Tất nhiên rồi! Nhưng cũng xin giao hẹn trước với bác là nếu thơ không đạt thì cháu sẽ không chiếu cố để in đâu.
Lão xua xua tay một cách dứt khoát:
- Ấy không! Không bao giờ! Người làm thơ chân chính không bao giờ nhận sự chiếu cố như vậy. Anh biết không? Ba chục năm cầm bút, tôi chưa hề có một bài thơ được đăng báo - lão nhoẻn cười một cách dễ thương - Nhưng tôi đâu có buồn. Cái chính yếu là phải tiếp tục luyện rèn. Bài thơ của mình khi được đăng phải xứng đáng mới đích thực là thơ chứ. Tôi đâu phải kẻ háo danh.
Nói xong lão xổ một tràng cười vô tư. Nhìn lão, tôi thấy lòng nguôi dần.
* * *
Hơn tháng sau tôi nhận được một bì thư rất dày của lão gửi từ bưu điện huyện. Nếu đem cân, chắc cũng trên một ki lô bản thảo. Hôm ấy, bà biên tập viên thơ tiền nhiệm của tôi cũng có trong phòng. Ngó bì bản thảo, bà chợt cười ré lên:
- Trời! Lại là bản thảo của lão Xuân Ben hả? Ngày còn biên tập trang thơ, cứ thấy tên lão là chị ném vào sọt rác. Thơ chẳng ra thơ, thẩn chẳng ra thẩn. Vớ vẩn!
Tôi không nói gì nhưng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi lời nhận xét của người tiền nhiệm, với lại, đang bận làm số đặc biệt nên tôi cũng chưa nhòm ngó gì đến bản thảo của lão.
Ít ngày sau, tôi nghe tin Xuân Ben đã chết.
Tôi thấy lòng tan loãng. Buồn, xen nỗi hối hận, tôi đem tập bản thảo của lão ra nghiền ngẫm. Trong lá thư gửi kèm, lão nói với tôi, đây là những bài thơ lão viết vào khoảng vài năm gần đây. Đã gửi tất cả các tòa soạn nhưng chẳng có bài nào được đăng. Vì quý mến tôi nên lão gửi với mục đích để thù tạc chứ cũng chẳng hy vọng gì chuyện đăng báo. Lão không quên nhắc lại mấy lời đã nói với tôi vào lần gặp trước, rằng, với lão không bao giờ cần sự chiếu cố. Thơ đáng đăng thì đăng. Không đáng đăng thì cứ vứt vào sọt rác. Thế mới đích thực là thơ.
Quả thật, hầu hết thơ của lão trong đống bưu phẩm kia vẫn ở tầm thơ báo tường. Nhưng đọc kĩ, tôi bỗng phát hiện ra chừng dăm bài có chất lượng khá, gây xúc động. Đó là những bài lão không viết về những điều to tát như bấy lâu nay lão thường viết mà hướng về tình cảm của người mẹ đã khuất núi từ rất lâu rồi. Đọc những bài thơ ấy, tôi như nghe thấy những tiếng nức nở nghẹn ngào của đứa con lầm lũi tha hương trên đường đời nhưng trái tim chưa bao giờ ngừng nhịp đập thương yêu về tình mẫu tử.
Nhìn thời gian ghi ở cuối mỗi bài, tôi nhận ra đó là những bài thơ lão mới viết trong mấy tháng gần đây. Do đột biến hay lão đã bắt đầu biết cách tiếp cận với việc làm thơ? Có lẽ lâu nay, lão đã đi sai đường chăng? Tôi chợt nghĩ, giá như, suốt ba chục năm vật vã tìm đường đến với thi ca, được những trái tim thân thiện đồng hành thì chắc chắn, lão sẽ không phải quá vất vưởng trong cuộc hành trình thơ đầy tuyệt vọng ấy. Tôi hiểu lão đã xiết bao mong ước dù chỉ một bài thơ được đăng trên báo. Không phải vì háo danh mà giống như một nhà thám hiểm trong niềm khao khát chinh phục những độ cao. Điều ấy không đáng trách, mà còn là một thuộc tính cao đẹp của con người.
Vậy mà suốt mấy mươi năm cầm bút, lão đã hoàn toàn thất bại. Tất cả dường như đã quá muộn rồi. Lúc này, điều duy nhất tôi có thể giúp lão là chọn một chùm thơ trong hơn một cân bản thảo kia để đăng vào số báo mới nhất. Nhưng tôi xin quả quyết rằng, tôi làm việc này không phải vì lòng trắc ẩn mà chính bởi những bài thơ của lão hoàn toàn xứng đáng. Chỉ có điều, lão đã vĩnh viễn không được chứng kiến những bài thơ của mình trên mặt báo.
Nhớ lại chuyện các con, các cháu đem hơn một tạ bản thảo thơ của lão ra đốt, tôi thấy chạnh buồn. Nhưng Xuân Ben ơi, dù sao như thế cũng có thể làm cho lão vui hơn trong cõi vĩnh hằng chăng? Đó là cái tài sản vô giá của cuộc đời lão. Vì có lẽ, ở chốn xa xăm ấy, lão sẽ vẫn làm thơ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin