Những giai điệu ngân vang trong "Chân trần cứ vậy mà quê"

Duy Phương 11:18, 25/08/2024

Bằng giọng văn mộc mạc, thủ thỉ nhẹ nhàng, tác giả Mộc Nhiên (TP. Thái Nguyên) cho người đọc "bơi" trên dòng sông ký ức, trở về với rơm rạ đồng quê, mùi khói lá hay sân gạch thấp thoáng bóng cha, giàn bầu ra vào dáng mẹ thuở nào... qua 29 tản văn trong tập "Chân trần cứ vậy mà quê", do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.

 

Những hoài niệm hết sức gần gũi ở tập tản văn đã lay động cảm xúc bạn đọc, để mỗi người có cơ hội tìm về cội nguồn biết yêu hơn, thương hơn, trân trọng hơn những gì giản dị, thân thuộc quanh mình. Chúng ta rưng rưng xúc động nhớ về người mẹ quê lam lũ vất vả khi đọc "Có gì nơi túi áo của mẹ": “Tấm lòng người mẹ cũng một đời như thế, một đời dành trọn đức hy sinh, dẫu mòn vẹt khắp cả thân hình cũng gắng chở che cho con trong vòng tay lành lặn an ấm”. Ở “Giàn bầu hạnh phúc”, độc giả lại được "tắm" mình trong ngọt ngào tình thân của gia đình: “Đôi tay cha trồng và chăm sóc tỉ mỉ gửi gắm một mùa bầu bội thu, đôi tay mẹ hái quả từng ngày mà lòng tràn trề hạnh phúc”…

Rất nhiều nhà văn khi đọc tản văn của Mộc Nhiên đã nhận xét, tác giả trẻ này có ngôn từ đẹp, bay bổng mang đến chất trữ tình cho mỗi áng văn. Điều này khiến tản văn của Mộc Nhiên được bạn đọc ưa thích dù tác giả viết về mảng đề tài không mới. Đọc “Đựng cả hoàng hôn” của Mộc Nhiên, tôi vô cùng thích thú với những dòng văn: “Vết bùn non loang lổ đặc quánh bám lấy gấu quần, lấy gót chân tôi mà cười vang nhem nhuốc. Cây xấu hổ… Hoa tròn tròn tim tím, lá co mình nhìn nhau rồi nhìn tôi mà bẽn lẽn ngượng ngùng”…

Tản văn là thể loại khó viết, bởi yêu cầu ngắn gọn, song câu từ phải mềm mại, uyển chuyển và truyền tải được rõ ràng thông điệp qua những dòng cảm xúc, hoài niệm, trải nghiệm đáng nhớ của tác giả. Yêu quê hương và có một trái tim đa cảm, một tâm hồn luôn dạt dào cảm xúc, đó là những lý do để tản văn của Mộc Nhiên chạm đến trái tim bao người.