Bà tôi gánh áng thơ kiều

 Tạp văn của Phan Thái 18:46, 08/12/2024

Mỗi lần ngồi bên mộ bà ngoại, nhìn làn khói hương bay lên bạc trắng như tóc, tôi lại nhớ dáng lưng còng, vệt trầu vương đỏ trên môi và giọng bà ngân nga những câu Kiều. Một đời tảo tần với ruộng vườn, đồng áng, bà không chỉ gồng gánh mùa màng, mà còn gánh cả muôn nỗi vui buồn thế sự qua bao áng thơ đầy triết lý nhân sinh Nguyễn Du đã gửi gắm. Nhiều đêm trăng trên chiếc võng đay mắc bên hiên nhà, bà thường đọc Truyện Kiều cho anh em tôi nghe tới tận khuya. Có hôm tôi thấy trăng nhòa trên mắt bà nhấp nhánh.

Dáng lưng còng, vệt trầu vương đỏ trên môi và giọng bà ngân nga những câu Kiều.
Dáng lưng còng, vệt trầu vương đỏ trên môi và giọng bà ngân nga những câu Kiều.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ từng lời bà kể: Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Nàng có cô em Thúy Vân sắc đẹp cũng không thua kém chị. Trong lễ tiết thanh minh Thúy Kiều gặp Kim Trọng, hai người nảy sinh tình cảm và thề nguyền đính ước. Kim Trọng về quê hộ tang chú. Gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan, giáng họa, Kiều phải bán mình chuộc cha.

Trong nỗi đau khổ tột cùng, nàng không quên Kim Trọng và nhờ cậy Thuý Vân thay mình trả lời hẹn ước. Thúy Kiều bị Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa đẩy vào lầu xanh, được Thúc Sinh cứu khỏi lầu xanh nhưng bị Hoạn Thư ghen, Kiều phải trốn đi nương náu ở chùa Giác Duyên. Vô tình Kiều lại rơi vào tay Bạc Hạnh, Bạc Bà phải vào lầu xanh lần thứ 2.

Kiều gặp Từ Hải. Từ Hải lấy Kiều làm vợ, giúp Kiều báo ân, báo oán. Nhưng Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, bị giết. Kiều bị bắt ép gả cho tên thổ quan. Nàng tủi nhục trầm mình ở sông Tiền Đường, được sư Giác Duyên cứu, phải nương nhờ cửa Phật lần nữa. Kim Trọng trở lại, kết duyên với Thúy Vân nhưng vẫn đi tìm Thúy Kiều. Nhờ sư Giác Duyên, Kim Trọng và Thúy Kiều gặp nhau, gia đình đoàn tụ. Họ đổi tình yêu thành tình bạn. "Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy".

Những câu Kiều như bài học vỡ lòng của tôi về nhân tình thế thái. Xã hội biến loạn nhưng vẫn có những nét đẹp của tình người, tình đời. Lớn thêm một chút, biết Truyện Kiều phỏng tác theo một câu chuyện bên Trung Quốc, tôi thắc mắc không hiểu tại sao tác giả không viết chuyện bên mình, bà bảo: Nguyễn Du từng làm quan trong triều Lê. Dưới triều Nguyễn ông được trọng dụng và cử vào phái bộ đi sứ sang Trung Quốc. Mượn chuyện của họ để nói về thân phận con người và xã tắc cũng là để giữ mạng mình. Nếu viết chuyện trong nước, chẳng những ông bị giáng chức, tù đày mà Truyện Kiều chắc chắn cũng bị tiêu hủy.

Các bài thơ trong sách giáo khoa tôi học mãi không thuộc, bèn hỏi bà về cách học, bà cười: “Ngày xưa, con cái nông dân làm sao có thể đến trường học được cháu. Bà chỉ nghe các chị lớn tuổi hơn đọc rồi nhập tâm”. Không biết chữ nhưng việc bà thuộc lòng Truyện Kiều cùng vô vàn câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ khiến tôi vốn mải chơi cũng không dám xao nhãng. Tôi tưởng người làng ai cũng thuộc Truyện Kiều, hóa ra không phải. Nhiều lần đi học về tôi thấy nhiều người ngồi nghe bà đọc thơ và ghi lại. Ngay cả ông đội trưởng sản xuất của hợp tác xã cũng mang giấy bút đến ghi chép.

Chiến tranh lan rộng ra miền Bắc. Mỹ đưa máy bay ném bom hủy diệt các thành phố, làng mạc. Chính quyền yêu cầu người già, trẻ em phải sơ tán vào hang núi Voi, một hang đá lớn gần bên làng. Thường mọi người vào đây nói đủ thứ chuyện rất rôm rả. Tuy nhiên hễ ai yêu cầu bà tôi đọc Truyện Kiều, tất cả những người chung quanh đều im lặng lắng nghe.

Thời kì bom đạn ấy, cái ăn cái mặc còn trĩu nặng vai người, bà tôi tuổi đã cao nhưng vẫn mải miết với đồng ruộng. Bố mẹ tôi thấy bà luôn chân luôn tay, nhiều lần bắt bà nghỉ ngơi, bà bảo: Mẹ sức yếu không tát nước gầu sòng, vác cày chìa vôi được thì be bờ, nhổ mạ… Mẹ chỉ đỡ đần các con đôi chút chứ có là lao động chính trong nhà đâu mà nghỉ. Cả bốn mùa dáng bà lui cui trên đồng như bông lúa mẩy hạt mùa gặt hái. Câu thơ Kiều không làm thợ cày, thợ cấy ráo mồ hôi trên manh áo bạc, nhưng nắng hè như cũng hóa non xanh.

Cậu tôi nhập ngũ và lên đường ra trận. Hội “mẹ chiến sĩ” của bà coi các chú bộ đội đóng quân bên làng như con. Chỉ huy đơn vị biết bà thuộc Kiều, nhiều lần mời bà tham dự sinh hoạt văn hóa cùng bộ đội. Mẹ tôi kể bà rất xúc động bên các chiến sĩ, lời bà căn dặn các chú sau mỗi lần đọc Kiều làm ai cũng rưng rưng.

Tôi nhớ nhất những lần bà đọc và nói về vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều - Thúy Vân. Nhiều từ viết theo lối cổ, bà thương xuyên phải giải thích cặn kẽ ngữ nghĩa qua từng câu thơ. Dẫu tôi nhiều khi chỉ hiểu sơ lược, vẫn thấy chị em Thúy Kiều, Thúy Vân rất đẹp, phẩm hạnh trong sáng. Thúy Kiều tinh thông cả cầm, kì, thi, hoạ, đặc biệt tài chơi đàn “ăn đứt hồ cầm một trương”. Vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp của tâm hồn với sự đoan trang, khiêm nhường từ cử chỉ, lời nói, lễ nghi của Thúy Kiều làm cho tôi không khỏi thương xót cho thân phận nàng Kiều trong gió giông dâu bể.

Có lẽ do thuộc Kiều nhuần nhuyễn, nhiều việc bà còn vui vẻ lẩy Kiều. Những giai thoại hài hước qua các câu Kiều làm tôi thật ấn tượng. Mãi sau này lớn tôi mới hiểu lẩy Kiều là cách ghép các câu khác nhau trong Truyện Kiều tạo ra những câu thơ có nghĩa ứng với từng ngữ cảnh. Trêu đùa bằng lẩy Kiều với những người thuộc Kiều dường như cũng là một thú chơi tao nhã. Ví dụ như chuyện một anh chàng nho sinh qua làng gặp mấy cô gái đang làm cỏ lúa. Một cô lên tiếng: “Trông chừng thấy một văn nhân” (câu thơ tả Kim Trọng). Anh mừng thầm định bước tới làm quen, cô khác đã tiếp lời: “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” (câu thơ tả Mã Giám Sinh)…

Thời gian đã trôi về xa lắm. Những câu thơ đầy tính triết lý của Truyện Kiều qua lời bà trong tôi luôn lắng đọng: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”…

Bái vọng hương linh bà nơi miền cực lạc, tôi lại như thấy bà gánh áng thơ Kiều bay giữa cao xanh.