“Thơ tình người lính biển" được nhà thơ Trần Đăng Khoa sáng tác năm 1981 khi ông đang là lính hải quân. Bài thơ là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành công bài hát "Chút thơ tình người lính biển”, một bản nhạc đầy cảm xúc và lãng mạn, phản ánh chân thực và đầy xúc động tình yêu và sự hy sinh của người lính biển.
Những người lính biển tuần tra tại Quần đảo Trường Sa. |
Mở đầu bài thơ, nhà thơ Trần Đăng Khoa vẽ lên hình ảnh người lính trước giờ ra khơi chia tay người yêu đầy lưu luyến song cũng rất đỗi lãng mạn:
“Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên”.
Qua lời thơ, với những hình ảnh “ra khơi”, “mây treo ngang trời”, “cánh buồm trắng”, người đọc như nghe được cả tiếng sóng biển ngoài đảo xa, trong gió lộng trời xanh, giữa những cánh buồm trắng và mây treo ngang trời, ở đó, là cuộc sống thường nhật của người lính đêm ngày thực hiện nhiệm vụ canh gác giữ vững biển trời quê hương.
Khi chia xa người yêu, ai mà không nhớ thương, và người lính trẻ trong bài thơ của Trần Đăng Khoa cũng vậy. Ôm súng canh gác giữa biển trời bao la, anh càng nhớ về đất liền, nhớ da diết ánh đèn thành phố lung linh, và hơn cả là nhớ người yêu. Hình ảnh "Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng" ngắt nhịp tạo thành ba cụm câu, gợi lên những gian lao nhưng cũng đầy tự hào của người lính biển về trách nhiệm của mình khi “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng”.
Và người lính trẻ nhận ra rằng dù ở đâu, anh cũng không cô độc bởi luôn có tình yêu của Tổ quốc, của đồng đội và của người yêu nơi quê nhà. Tình yêu đó giúp anh kiên định trước những khó khăn, vất vả, kể cả những bất trắc phía trước:
“Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trôi, nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên”
Chủ đề tình yêu đôi lứa, nhất là tình yêu của người lính vốn là đề tài được nhiều thi sĩ lựa chọn, sáng tác. Và nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng không ngoại lệ. Với mỗi câu thơ, Trần Đăng Khoa nói lên tiếng lòng mình, cũng là nói hộ cảm xúc của biết bao người lính, như lời hát của biển cả ngân trong lòng mỗi người con Việt Nam tình yêu đất nước và ý thức giữ gìn độc lập chủ quyền của dân tộc.
Điều thành công nhất ở “Thơ tình người lính biển” là không chỉ diễn tả cảm xúc khi chia tay người yêu mà còn tôn vinh sự hy sinh của người lính. Bởi thế mà, "Thơ tình người lính biển" được nhiều nhà phê bình văn học nghệ thuật đánh giá là bài thơ vượt lên trên cả một tác phẩm nghệ thuật, trở thành biểu tượng vĩ đại về tình yêu và lòng quyết tâm bảo vệ đất nước những người lính đảo.
Thơ tình người lính biển
Anh ra khơi Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng Biển một bên và em một bên.
Biển ồn ào, em lại dịu êm Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía Biển một bên và em một bên
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc Thăm thẳm nước trôi, nhưng anh không cô độc Biển một bên và em một bên.
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng Biển một bên và em một bên.
Vòm trời kia có thể sẽ không em Không hiểu nữa. Chỉ còn anh với cỏ Cho dù thế thì anh vẫn nhớ Biển một bên và em một bên. Trần Đăng Khoa (Trong “Trần Đăng Khoa - Thơ chọn lọc”, Nxb Văn hoá - Thông tin 2002) |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin