“Con xin bố mẹ cho con năm nay được ăn Tết ở Sài Gòn”.
My nói câu đó khi vừa đẩy cửa bước vào nhà. Câu nói như được chuẩn bị từ trước, ướm thử bao nhiêu lần trên đôi môi son sen. Đứng lùi sau phòng khách, trước chiếc bàn ăn vừa dọn xong, bà Lan - mẹ My khẽ xoay người lại, không biết bà có nghe lời My vừa nói không, nhưng cử điệu nhẹ nhàng, gương mặt chỉ một biểu cảm trìu mến khi nhìn thấy đứa con trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhoài.
“Em con theo bố đi dự tiệc tất niên của cơ quan bố rồi. Con ăn cơm luôn cho nóng, hay tắm rồi mới ăn?”, bà Lan cất tiếng, giọng hơi khàn vì ảnh hưởng thời tiết giá rét.
My bước tới, khẽ choàng tay ôm mẹ rồi ngồi luôn vào bàn. Nhưng My ngồi đó, nhìn các món ăn chứ không đụng đũa. Bà Lan nhìn My có vẻ lo lắng.
“Có chuyện gì hả con?”
“Con xin bố mẹ cho con năm nay ăn Tết ở Sài Gòn”, My lặp lại câu nói khi nãy.
Khi nãy, bà Lan đã thoáng nghe câu này, nhưng vốn rành tính khí của cô con gái, bà không nóng nảy, dồn dập. Cũng không buông ngay một đáp án.
Cách đây bốn năm, cũng vào một buổi tối như thế này, khi vừa bước vô nhà, My đã nói “Con sẽ đi Sài Gòn. Bố mẹ đồng ý cho con đi nhé”. Đó là buổi tối mùa hè, nhà có đủ tất cả mọi người. Không khí ảm đạm của đại dịch COVID-19 bao trùm cả nước, trong đó có phố huyện của Thái Nguyên này. Từ ký túc xá Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, My lên một chuyến xe bus để về nhà. Chuyến xe lác đác khách. My ngồi góc cuối xe, dõi mắt nhìn ra ngoài đường, tai gắn phone nghe nhạc Lê Cát Trọng Lý.
Câu nói đó, My cũng đã ướm thử nhiều lần trên suốt chặng về nhà.
Từ bé, bố mẹ đã không muốn My đi đâu xa. Trong hoạch định của hai người, sau này người con trai lớn lên, có thể bay nhảy đây đó, còn My cứ ở phố huyện này, lấy chồng sinh con đẻ cái, để bố mẹ có cháu mà ẵm bồng cho khuây khỏa những năm tháng tuổi già.
Nhưng, có vẻ trái với suy tính của bố mẹ, em trai của My lại sống hướng nội, nó có thể nằm lỳ trong phòng cả ngày mà không ra khỏi nhà. Còn My, hễ khi nào rảnh, cô lại lấy xe đạp phóng ra vùng ngoại ô. My thích thả mình vào thiên nhiên, ham muốn dịch chuyển, khám phá những vùng đất mới.
“Năm nay con muốn ăn Tết ở Sài Gòn”.
Bà Lan có cảm giác My đã nói câu này rất nhiều lần, lời âm thầm trên đôi môi son sen he hé, mấp máy, như My vẫn thường nhẩm theo bài hát nào đó của Lê Cát Trọng Lý.
Năm mươi lăm ngày đêm chống dịch ở Sài Gòn, một chuyến bay Hà Nội cộng thêm mười bốn ngày trong khu cách ly mới được trở về nhà. Đó là chuyến xe cuối cùng của ngày hôm đó. Từ đó đến nay đã bốn năm. My vẫn nhớ như in những khoảnh khắc trên đường về nhà. Nhưng từng ấy năm, cô chưa một lần trở lại Sài Gòn. Công việc cứ cuốn cô đi. Cũng không có một lời nhắn hay lời mời nào khiến cô phải quay trở lại. Sài Gòn, lẽ nào chỉ là nơi để My nhớ về chuyến về nhà?
***
Khu cách ly là ký túc xá của một trường đại học được trưng dụng tạm thời. Nhóm của My gồm các sinh viên y khoa vừa ra trường từ khắp các nơi, cùng các cô chú là y, bác sĩ thuộc các bệnh viện của Sài Gòn.
Lấy mẫu xét nghiệm, đo thân nhiệt, phát thuốc, phát cơm, và dỗ bệnh nhân mỗi khi họ sốc và đau đớn. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại từng ấy việc. Lại bao việc không tên. Từ mờ sớm đến tối mịt. Hễ rảnh chút là lẻn ra góc cầu thang tranh thủ ngủ ngồi trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Giữa đêm chợt choàng tỉnh khi nghe tiếng gào thét. Có khi đó là tiếng gào thét trong mơ, của chính mình. Và, nghe chính tiếng mình đang khóc nghẹn.
My chưa bao giờ từng nghĩ mình còn quá trẻ để đi vào chốn này. Cô chỉ nghĩ, đây là điều mà mình chưa bao giờ tưởng tượng ra.
My cũng không thể nào tưởng tượng nổi, trong những ngày dịch dã kinh hoàng ấy, mà cứ vài ngày mình lại được ăn một que kem chuối ngon kinh khủng. Đặc biệt, que kem chuối ấy lại được mang tới bởi một chàng trai trẻ có khuôn mặt rất thanh tú, đó là Phùng.
Phùng sinh ra và lớn lên ở cao nguyên Ban Ma Thuột. Anh chàng đã học đến năm cuối đại học kiến trúc nhưng rồi bỏ dở vì chuyện gia đình. Ba Phùng ngoại tình. Má Phùng không chấp nhận điều đó nên ly dị rồi bỏ đi xuống Sài Gòn sống với con trai duy nhất là Phùng. Nhưng rồi, chính má Phùng sau đó không lâu lại có một người đàn ông khác và họ đưa nhau sang Ý sinh sống. Thực ra, má muốn đưa Phùng đi cùng, nhưng cậu không chịu rời đi. Khi má đi rồi, Phùng có thời gian bỏ học về Ban Ma Thuột sống với bà ngoại và lang thang ký họa miền cao nguyên. Rồi bà mất, Phùng trở lại Sài Gòn, tham gia vào một nhóm ký họa Sài Gòn. Rồi dịch ập đến.
Phùng tham gia vào một nhóm tình nguyện viên, chuyên chở đồ tiếp tế cho các bệnh viện dã chiến. Lúc này, Phùng tình cờ được giao bảo vệ một công ty logistic nằm trong cụm hàng không gần sân bay. Đây là công ty sân sau của một sếp bự mà Phùng chưa từng gặp mặt, nhưng một giáo sư khả kính, thầy dạy chuyên ngành quy hoạch vùng và đô thị của Phùng đã gửi gắm. Phùng ở đây, một công đôi việc, vừa coi ngó công ty, vừa được đặc cách tham gia vào một nhóm vận chuyển, tiếp tế. Sẵn tiếp tế cho các bệnh viện dã chiến. Sẵn tiếp tế cho một số gia đình thân hữu sếp.
Phùng thấy trong nhà mình ở có một hộp kem chuối, nên mang cho mấy cô gái ăn, không ngờ đó là món hảo của My.
“Còn kem chuối không anh gì đó ơi, bán cho em một que nhé”, My trêu Phùng.
Mấy ngày đó, nói to một câu nói đùa cũng là một món quà. Thế là, mỗi bữa mang đồ tiếp tế, Phùng lại gói vài que kem chuối trong giấy báo đưa cho My, rồi tùy My phân phát cho mọi người.
Khi hết kem chuối rồi, Phùng mở youtube xem cách hướng dẫn làm kem chuối, lục lọi trong gian bếp các nguyên liệu để làm, cái gì thiếu thì Phùng đặt mua trên mạng.
Tình cờ, Phùng cũng là người thích ăn kem chuối, món mà má hay làm khi cậu còn bé. Giờ thì anh chàng tự làm, để mỗi khi ăn, lại thấy má bên cạnh, với món kem chuối này cũng là một món có khả năng “chống dịch” hiệu quả trong lúc này.
***
Lệnh phong tỏa vừa được gỡ bỏ thì nhóm của My được ưu tiên rời bệnh viện dã chiến trước tiên. Một chuyến bay đêm. Vội vàng đến mức, My chưa kịp nhắn với Phùng một lời chào tạm biệt. Mà, thực ra lúc đó giữa hai người cũng chưa có tình cảm gì sâu đậm, chỉ là niềm yêu mến giữa những người tuổi trẻ với nhau.
“Có hai điều bạn không được bỏ lỡ, một là những người yêu thương bạn, hai là chuyến xe cuối cùng về nhà. Và tôi biết, cả hai thứ đó chỉ cách tôi một chuyến xe khách cuối cùng này”.
Đó là dòng trạng thái, xem như dòng nhật ký mà My đăng lên Zalo, khi ngồi trên chuyến xe đò từ Hà Nội về Thái Nguyên mùa thu năm ấy.
Phùng là người đầu tiên thả tim vào dòng trạng thái này. Sau dịch, Phùng rời khỏi khu biệt thự cao cấp của ông sếp bự kia, đến tá túc trong xưởng vẽ của một người bạn đang bỏ hội họa giá vẽ chuyển qua điêu khắc, chuyên làm tượng Phật.
My được tuyển vào bệnh viện P., làm hợp đồng được hơn một năm rồi ra ngoài cùng với cô bạn thân mở một tiệm café hoa tươi. My cứ nghĩ đây chỉ là tạm thời, cô sẽ xin sang một bệnh viện khác, hoặc đi Hà Nội, hoặc đi Sài Sòn kiếm việc. Nhưng rồi hơn hai năm qua, cô vẫn ở đó.
Phùng vẫn chưa trở lại trường kiến trúc để hoàn thành tốt nghiệp. Sau dịch, Phùng bị mất ngủ nặng, thể lực cứ hao hụt dần. Đêm không ngủ được, Phùng thường nhắn tin cho My. Phùng giới thiệu những cuốn tiểu thuyết kinh điển thế giới cho My đọc, dĩ nhiên không thể nào thiếu quyển Khải hoàn môn của văn hào người Đức Remarque. Đây là cuốn tiểu thuyết mà mọi bác sĩ có tâm hồn lãng mạn đều mê đắm, bởi hình ảnh bác sĩ Ravic quá tuyệt. Bác sĩ Ravic còn tuyệt hơn khi là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Cái gì mua được bằng tiền, đều rẻ cả”.
Phùng vẫn chưa một lần đến Thái Nguyên, nhưng anh chàng đã vẽ rất nhiều về nơi đó.
Phùng còn vẽ những chiếc hoa trà trên bình gốm để gửi tặng My và My đã bày nó trong tiệm café hoa của mình.
“Mày nên đi Sài Gòn đi, tao nói nghiêm túc đấy”, Hạnh, cô bạn thân, chủ quán café hoa nói với My như thế.
Mỗi lần nghe thế, My chỉ mỉm cười, má hơi ửng đỏ. My không rõ lòng mình có yêu. Có yêu Phùng và yêu Sài Gòn không? My đến Sài Gòn trong một hoàn cảnh quá đặc biệt, gặp Phùng trong một bối cảnh cứ như là trong phim. Mặc dù mãi tới giờ My vẫn còn nhớ mùi vị của dĩa cơm tấm mà chính Phùng đã nấu cho My ăn. Đó là món cơm tấm kinh điển “Xà bì chưởng” (Sườn bì chả) của Sài Gòn. Ngày ấy, Phùng như một đầu bếp bất đắc dĩ, hay là một người đang khám phá cảm xúc và tâm hồn mình qua ẩm thực.
Nhưng trong những ngày dịch dã hoạn nạn, Phùng mạnh mẽ lạc quan bao nhiêu, thì sau dịch, anh chàng lại yếu đuối và lạc lối bấy nhiêu.
“My, biết không, từ bao nhiêu năm nay, ngay cả trong dịch và sau dịch, má anh chưa từng gửi cho anh một lời hỏi thăm. Sao vậy My?”.
Có lần, giữa đêm khuya, Phùng đã nhắn cho My như thế. Phùng hỏi My thì My biết hỏi ai?
My hỏi Phùng là anh có giữ liên lạc gì với mẹ mình không thì Phùng bảo, bao nhiêu năm nay anh chàng chẳng liên lạc gì, nhưng anh vẫn giữ số điện thoại đó, trang facebook đó. Nếu mẹ anh thực sự muốn tìm kiếm thì sẽ biết anh đang ở đâu.
Nhưng rồi, bỗng một hôm, My thấy tài khoản Facebook lẫn Zalo của Phùng biến mất. Thông thường, Phùng chủ động trò chuyện với My, nhưng lần này, My linh cảm có điều gì đó không ổn. My thử gọi cho Phùng thì điện thoại không liên lạc được. Suốt mấy ngày trôi qua, trong lúc My lo lắng không yên thì Phùng xuất hiện trở lại, trò chuyện bình thường như chưa từng xảy ra chuyện gì. Chính điều này lại làm cho My càng thêm lo lắng, vì cô vốn là một bác sĩ.
***
“Năm nay, bỗng dưng người miền Nam đặt mua rất nhiều hoa ly kép để trồng chưng Tết”, Hạnh thông báo với My như vậy.
Trong tiệm café này, My chỉ lo phần chăm sóc hoa bày biện cho quán và quản lý quầy pha chế thức uống, còn lại một tay Hạnh đảm đương. Hạnh bán café bột và hạt nguyên chất, bán hoa tươi cho khách hàng trong phố huyện, mỗi dịp Tết lại nhập hoa về bán online khắp cả nước.
Những ngày vừa sau Giáng sinh, trong My bỗng dâng lên một niềm trìu mến khó tả, nhìn cái gì cũng thấy đáng yêu. Cảm giác như mình có thể uống thong thả một ly rượu mạnh, có thể nhún nhảy giữa phố và hát vang lên, có thể bay đi như một cánh chim nhỏ nhoi nhưng tự do giữa bầu trời xanh biếc. Niềm trìu mến tự thân, vô điều kiện. Ngay lúc đó, My biết là mình sẽ trở lại Sài Gòn để gặp Phùng, để thật sự, một lần nữa cùng chàng trai ấy ăn que kem chuối và thưởng thức món cơm tấm Sà Bì Chưởng huyền thoại. Nhưng, quan trọng hơn là để được nắm nay nhau. Ít ra thì cũng khởi đầu như thế.
Mùa Xuân thì đang dần đến mà Phùng thì vẫn còn lạc lối.
Nếu vào Sài Gòn, My sẽ gói cho Phùng một ít củ hoa ly cánh kép màu hồng sen. Phùng rất thích màu này. Nhưng đây sẽ là một chuyến đi bất ngờ không báo trước. Sau chuyến đi này, My sẽ quyết định mình nên kiếm việc ở Sài Gòn hay về Hà Nội, hay về Thái Nguyên, để tiếp tục làm bác sĩ hay tìm một lối rẽ khác.
Còn về phía Phùng, càng vẽ hoa trà trên bình gốm, chàng ta càng say mê, tay nghề càng điêu luyện. Trước đây, Phùng chưa từng nghĩ mình sẽ rẽ hướng hội họa, bởi ngành của anh chàng học là quy hoạch và cảnh quan đô thị. Phùng dự tính sẽ làm một chuyến đi Thái Nguyên để gặp My. Dĩ nhiên, trong hành trang đó sẽ có một chiếc bình gốm hoa trà đặc biệt, chỉ dành riêng cho My.
Đây sẽ là chuyến đi bí mật. Nhưng trước khi đi Thái Nguyên, Phùng sẽ trở về nhà. Từ ngày bà ngoại mất, Phùng chưa trở về nhà.
“Có hai điều bạn không được bỏ lỡ, một là những người yêu thương bạn, hai là chuyến xe cuối cùng về nhà”.
Khuya đó, Phùng đăng dòng trạng thái ấy trên Zalo, và My là người đầu tiên thả tim vào đấy. Khi My chìm vào trong giấc ngủ, cũng là lúc Phùng đang ngồi trên chuyến xe đò cuối cùng để trở về nhà.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin