Thứ 7, 10/05/2025, 02:43

Đường xưa có hoa gạo đỏ

XA 09:56, 30/03/2025

Một sớm tháng Ba, cô bạn tôi đang sinh sống ở Đức nhắn vào nhóm một dòng tin da diết “Tháng Ba, hố vôi và hoa gạo, các bạn Thái Nguyên có còn nhớ cây gạo ở chợ Thái không”.

Đường xưa có hoa gạo đỏ

Lời nhắn như một cơn gió thổi tung ký ức trong tôi, kéo tôi ngược về những ngày tháng cũ. Tôi lên xe chạy thẳng ra chợ Thái, dòng người, dòng xe vẫn tất bật ngược xuôi, phố phường tấp nập như bao năm nay vẫn thế. Tôi đứng bên đường Bến Oánh nhìn quanh xác định vị trí cây gạo ngày xưa. Đúng rồi cây gạo đã từng đứng đó giữa ngã ba. Nơi tách con đường chính chạy từ chợ trung tâm ra Bến Oánh, và một con đường nhánh rẽ qua làng cũng chạy ra bến sông Cầu.

Nếu hỏi những người đã sinh ra quanh thành phố từ thập kỷ bảy mươi của thế kỷ hai mươi về trước, chắc sẽ chẳng ai không biết đến địa danh Gốc Gạo đã gắn với cây gạo này. Chưa ai xác định chính xác về tuổi của cây, nhưng những cụ cao tuổi có mặt ở vùng này đầu thế kỷ XX thì cây đã sừng sững ở đó rồi.

Tôi đứng lặng, nhìn khoảng không nơi nó từng án ngữ, tưởng tượng lại dáng cây cao lớn, tán lá xum xuê, mỗi tháng Ba lại bừng lên sắc đỏ. Hoa gạo từng rơi như những đốm lửa nhỏ, trải đầy một góc chợ, lẫn vào bước chân của những người bán hàng, những đứa trẻ, những người lữ khách dừng chân.

Cây gạo ở chợ Thái không chỉ là một cái cây, mà là một phần của lòng người Thái Nguyên trong đó có tôi. Với những người dân phía Đông thành phố, ai đi ngược về xuôi cũng đều qua gốc gạo này. Tôi không sinh sống ở phía Đông thành phố, nhưng gắn bó với gốc gạo này bởi những câu thơ thấm đẫm tuổi học trò: Năm ấy mẹ sinh em mùa đói/ Tháng Ba nhọc nhằn hoa gạo rụng hố vôi…/Tháng Ba buồn dai ý hẳn ngậm ngùi/Nhắc em ngày sinh và hố vôi đầy hoa gạo rớt…./ Đành rằng tháng Ba vẫn thắp màu hoa cũ/Nhưng có những điều phải sống khác ngày xưa… (Nỗi niềm tháng Ba - Bình Nguyên Trang)

Những câu thơ về tháng Ba, về hoa gạo của Bình Nguyên Trang trong Hội bút Hương đầu mùa của tờ báo Hoa học trò nổi tiếng một thời cứ khiến những đứa học văn như chúng tôi bối rối. Bởi thế, tháng Ba khi những bông gạo bắt đầu thắp lửa bên trời chúng tôi thường đạp xe từ Trường chuyên Thái Nguyên ra chợ thành phố để ngắm hoa gạo và nhặt những bông gạo rụng ven đường ép vào trang vở.

Ấy là với lũ học trò lãng mạn như chúng tôi còn với lịch sử tôi đã đọc những dòng ghi lại rằng: Cách gốc gạo vài trăm mét về phía Đông Nam, là bức thành nhà Mạc dài mấy trăm mét, cao hơn 2m dấu ấn một thời lịch sử. Cách về phía bắc hơn trăm mét là đình Đồng Mỗ, nơi đặt trụ sở Ủy ban Kháng chiến thời kỳ chống Pháp của Túc Duyên. Chính tại đây ngày 5/9/1950, Tòa án Quân sự tối cao đã mở phiên tòa xét xử tử hình Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu về tội tham ô.

Cây gạo cứ thế mà gắn bó, mà nuôi lớn những vần thơ của lũ học trò Trường Chuyên chúng tôi. Nhưng rồi đến một ngày, cây gạo đã hy sinh cuộc đời cho sự phát triển của khu dân cư, cho việc nâng cấp dần đường Bến Oánh. Ấy là vào một ngày tháng Ba, khi lũ học trò chúng tôi chạy xe ra đường Bến Oánh để ngắm nhìn thì cây gạo đã không còn đứng đó, chỉ còn trơ lại một khoảng trời mây vẩn vơ bay.

Tôi đứng tần ngần giữa con đường rộng, cây gạo xưa không còn nhưng khoảng trời như thắp lửa mỗi độ tháng Ba về trong tâm trí lũ học trò chúng tôi chẳng hề phai nhạt. Và chính khoảng trời ấy là nơi neo đậu hồn quê của bạn tôi khi sống xa nhà.


Từ khóa:

Đường xưa có hoa gạo đỏ