Những năm qua, các cấp Công đoàn trên địa bàn huyện Đại Từ đã triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Qua đó giúp khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, tinh thần vượt khó của đoàn viên, người lao động, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Sáng kiến của cô giáo Trần Thị Oanh được áp dụng rộng rãi trong các tiết học, môn học khác nhau tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ). |
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đại Từ hiện có 178 công đoàn cơ sở (CĐCS), với gần 13.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Trong đó, LĐLĐ huyện trực tiếp quản lý 154 CĐCS trực thuộc, với 5.698 CNVCLĐ.
Trong những năm qua, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do cấp trên phát động, các cấp Công đoàn trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đại Từ, thông tin: Để các phong trào đem lại hiệu quả thiết thực, các cấp Công đoàn trên địa bàn huyện đã phát động thi đua sâu rộng trong CNVCLĐ; nhân rộng điển hình tiên tiến; tạo điều kiện để đoàn viên, người lao động thực hiện đề tài, sáng kiến. Nhờ đó, hàng năm, toàn huyện có hàng trăm đề tài, sáng kiến của CNVCLĐ, nhiều sáng kiến trong số đó được công nhận và áp dụng vào công tác, sản xuất - kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.
Cụ thể, hưởng ứng Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” và “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, các cấp Công đoàn trên địa bàn huyện đã đóng góp tổng cộng 933 sáng kiến. Các sáng kiến thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất - kinh doanh; an toàn vệ sinh lao động; giáo dục và đào tạo; cải cách hành chính... Nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn và đạt kết quả tốt, góp phần đem lại hiệu thiết thực cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đơn cử như sáng kiến “Nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến bằng phần mềm Nearpod trong môn Toán lớp 6” của cô Trần Thị Oanh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ).
Cô Oanh chia sẻ: Thông qua phần mềm Nearpod, tôi đưa ra được 4 dạng bài: trò chơi, ghép đôi; câu hỏi mở; thăm dò ý kiến; trắc nghiệm tính thời gian. Mỗi dạng bài không chỉ áp dụng trong một bài cụ thể, mà có thể sử dụng được trong nhiều bài học, nhiều bộ môn và các khối lớp khác nhau nếu thay đổi nội dụng trong bài. Từ những bài giảng này sẽ giúp học sinh dễ tương tác với nhau, liên hệ ngoài thực tế... Qua đó, giúp các em hào hứng, tiếp thu bài hiệu quả hơn.
Cô Hoàng Thị Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành, cho hay: Mỗi năm học, Nhà trường đều có 3-4 sáng kiến được áp dụng vào quá trình giảng dạy và học tập. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại đơn vị. Minh chứng là trong năm học 2022-2023, Nhà trường được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; Công đoàn Nhà trường được nhận Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam...
Trong khối sản xuất - kinh doanh, mặc dù chỉ có 12/154 CĐCS trực thuộc LĐLĐ huyện, nhưng các đơn vị này đã đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, có giá trị làm lợi hàng tỷ đồng.
Có thể kể đến như CĐCS Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Trong 5 năm qua, Công ty đã có 143 sáng kiến được công nhận, nhiều sáng kiến mang lại giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như các sáng kiến: phương pháp tái chế bã tinh chế 2; tối ưu hóa lượng xút tiêu thụ trong công đoạn nghiền và lọc ép; giảm tối thiểu lượng phế phẩm tại máy sấy sản phẩm dạng xoắn... của anh Nguyễn Viết Cường mang lại giá trị làm lợi cho Công ty khoảng 13,5 tỷ đồng/năm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin