Hiện nay, dân số của tỉnh sinh sống trên địa bàn nông thôn là trên 810.000 người, chiếm tỷ lệ 60,67%. Trong số này, hội viên nông dân là trên 160.000 người, chiếm 86,2% so với tổng số hộ nông nghiệp. Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp trong tình hình mới.
Chị Trần Thị Tuyết (thứ 3 từ trái sang), Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ) được tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022". |
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp trong toàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống của bà con nông dân được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh.
Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là việc lâu nay, nhiều nông dân chưa thật sự quan tâm đến nhu cầu của thị trường. Ở những vùng có sản phẩm thế mạnh, đặc trưng, việc sản xuất còn manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế...
Từ thực tế trên, thời gian qua, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, lợi ích của kinh tế tập thể; sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, hướng tới sản xuất hữu cơ; chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để có hướng phát triển phù hợp.
Cùng với đó, Hội vận động bà con nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và hình thức kinh tế tập thể khác trong nông nghiệp; gắn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể với xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp; triển khai thí điểm mô hình tổ hợp tác, HTX do HND hướng dẫn thành lập để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2018-2023, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập được 180 mô hình HTX, tổ hợp tác và hàng trăm mô hình hỗ trợ nông dân, nhóm sở thích...
Các cấp HND cũng chủ động phối hợp với 9 huyện, thành phố và một số sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp; chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, nông dân và xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu nông sản...
Từ năm 2018 đến nay, HND tỉnh đã tổ chức tôn vinh 158 nông sản tiêu biểu của tỉnh. Thông qua các mô hình, dự án, một số nông sản đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao. HND tỉnh cũng đã phối hợp lựa chọn 20 sản phẩm OCOP tham gia gian hàng thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Điển hình như sản phẩm Tâm trà Khe Cốc, xã Tức Tranh; Lộc trà thượng hạng, xã Phúc Thuận, chè Hảo Đạt, miến Việt Cường...
5 năm qua, toàn tỉnh có 186 hộ sản xuất - kinh doanh, tổ hợp tác, HTX, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên. HND các cấp đang quản lý 12 nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, gồm: ổi Linh Nham, bưởi Tân Quang, gà đồi Phú Bình, lúa nếp Thầu Dầu, gạo nếp vải Phú Lương, nhãn Phúc Thuận, na La Hiên...
Anh Lâm Xuân Quang, Giám đốc HTX nông sản Vạn Lộc (Đồng Hỷ), là người đầu tiên trên địa bàn tỉnh thành công với mô hình trồng, chế biến măng tre Lục Trúc. |
Để hỗ trợ nông dân có vốn sản xuất, cấp Hội thực hiện đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ban Ðiều hành Quỹ đã tổ chức quản lý tốt các nguồn vốn được ủy thác và nguồn vốn hiện có; chủ động khai thác nguồn vốn theo các kênh. Ban Thường vụ HND tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua Đề án “Bổ sung vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cơ sở, hàng năm đều cân đối từ nguồn ngân sách để bổ sung cho Quỹ.
Đến nay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh đạt 35 tỷ đồng (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội), Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện đạt bình quân trên 979 triệu đồng, để triển khai 119 dự án, cho 1.186 hộ vay. Ngoài ra, các cấp Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội cho trên 36.000 lượt hộ vay, với tổng dư nợ trên 2.700 tỷ đồng.
Với sự trợ giúp của các cấp HND và đơn vị chuyên môn, sự nỗ lực của người dân, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều gương nông dân tiêu biểu, tạo ra những sản phẩm vừa mang bản sắc, thế mạnh của địa phương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có thể kể đến những tấm gương như: Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt; ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX chè an toàn Khe Cốc; anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường; anh Nguyễn Viết Thuật, Giám đốc HTX chè Thuỷ Thuật... Họ được nhắc đến như là những nông dân chuyên nghiệp của tỉnh khi đã bắt tay cùng người dân trong vùng xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm.
Tại Diễn đàn nông dân Quốc gia do Trung ương HND Việt Nam tổ chức năm 2022 với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp”, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nông dân chuyên nghiệp hiểu đơn giản là làm ra sản phẩm thị trường cần, chứ không phải theo ý mình, sản xuất sao cho tiết kiệm, giá thành hợp lý nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng; phải có kiến thức, kỹ năng sản xuất và tư duy kinh tế. Họ phải là người có tâm, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không làm tổn thương đến lợi ích cộng đồng, sản xuất hướng đến bền vững, lâu dài; hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, "có bầu nhiệt huyết chảy tràn trong một cơ thể dẻo dai, khoẻ mạnh"...
Với những kết quả đạt được, cùng sự hỗ trợ từ các cấp HND, nỗ lực của hội viên, nông dân, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ có thêm nhiều mẫu hình người nông dân chuyên nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin