Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp về an toàn thực phẩm

13:17, 10/01/2019

Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm được ban hành ngày 2/2/2018 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, giảm phiền hà, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí. Kết quả sau gần 1 năm triển khai thực hiện cho thấy những chuyển biến tích cực, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội và khuyến khích sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm an toàn.

Ông lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (ATVSTP) cho biết: Nghị định 15 là một sự thay đổi về cách thức quản lý, trước kia là nặng về tiền kiểm thì nay sẽ chú trọng đến công tác hậu kiểm. Do đó, nguồn nhân lực cũng sẽ thay đổi phương pháp, hình thức làm việc từ giám sát các thủ tục giấy tờ chuyển sang giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm, nếu phát hiện chất cấm thì xử phạt ngay.

Sau gần một năm triển khai thực hiện Nghị định 15, bước đầu Chi cục ATVSTP đã tổ chức tuyên truyền cho gần 3.000 lượt người, cấp và treo gần 1.000 băng zôn tuyên truyền ATVSTP; in 3.000 cuốn hỏi đáp về ATVSTP cấp phát cho cán bộ làm công tác ATVSTP tuyến huyện, xã và y tế thôn bản, cộng tác viên y tế…

Với nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp các hộ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ chính quyền địa phương việc tổ chức, quản lý ngay tại cơ sở về quy đinh ATVSTP đã góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội. Nếu như 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh mới chỉ có hơn 100 sản phẩm thực phẩm của 20 cơ sở thực phẩm (sản xuất, chế biến, kinh doanh) được tự công bố và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì đến hết năm, toàn tỉnh đã có 239 sản phẩm của 89 cơ sở thực phẩm công bố. So với con số hơn hàng nghìn cơ sở thực phẩm (sản xuất, chế biến) trên địa bàn toàn tỉnh, thì số sản phẩm và cơ sở tự công bố còn ở mức độ thấp. Song đây cũng là thực tế phản ánh đúng chất lượng sản phẩm.

Ông Đặng Quang Tân, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất miến dong Việt Cường-Hóa Thượng khẳng định: “Tự công bố chất lượng sản phẩm thể hiện rõ việc tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song để cơ sở thực phẩm công bố chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật thì cơ sở phải có đủ kiến thức về ATVSTP, điều kiện sản xuất, kinh doanh, công nghệ, thiết bị… Chính vì vậy, để công bố được chất lượng sản phẩm thì cơ sở phải có sự chuẩn bị rất kỹ. Vì ở đây là trách nhiệm với pháp luật, với cộng đồng xã hội và trách nhiệm với thượng hiệu, bản quyền… nên không thể ồ ạt và tùy tiện công bố được. Công bố sai là có thể chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật”.

Tăng tính chủ động cho cơ sở thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi trong khâu quản lý cũng còn có ý kiến lo ngại rằng việc tạo nên cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp có vô hình chung tạo nên sự buông lỏng quản lý đẩy người tiêu dùng phải tự lo lựa chọn các sản phẩm an toàn?

Lý giải vấn đề này, ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết:  Nghị định 15 đã tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình. Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm đã đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ để sửa đổi Nghị định 178 để tăng mức phạt hành chính với các doanh nghiệp vi phạm, đồng thời áp dụng nghiêm túc điều 317 của Bộ luật Hình sự với các vi phạm về an toàn thực phẩm. Thời gian tới, quá trình hậu kiểm, nếu cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm có chất lượng không đúng như công bố thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt nặng, bị thu hồi sản phẩm, bị buộc phải tiêu hủy sản phẩm và nặng hơn là sẽ bị thu hồi giấy phép sản xuất.

Cũng theo ông Cảnh: Sau một năm thực hiện, có thể ước tính, việc thực thi Nghị định 15 đã giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm hàng trăm ngày công  mỗi năm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên hết Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng.