Góp phần cải thiện vệ sinh môi trường

11:05, 10/01/2019

Những năm gần đây, nhờ triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, một số địa phương, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đại Từ đã được cải thiện đáng kể về điều kiện vệ sinh môi trường. Nhận thức, hành vi của người dân đã đang nâng lên đáng kể, người dân có ý thức tham gia thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức CWS (Church World Service (CWS) Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, làm việc cùng các đối tác nhằm phát triển đời sống người dân thông qua việc nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực, nâng cao phẩm giá và quyền con người đồng thời vẫn tôn trọng truyền thống và văn hóa của họ), Dự án đã triển khai thực hiện ở Đại Từ từ năm 2013 tại một số xã.

Trong quá trình triển khai Dự án, huyện đã huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Từ mục tiêu, xây dựng các cộng đồng dân cư có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; việc lựa chọn vị trí phù hợp trong khuôn viên gia đình, kỹ thuật đào hố, đổ bê tông cho loại nhà tiêu thấm dội nước và nhà tiêu tự hoại… Quá trình xây dựng các mẫu nhà tiêu đều có sự giám sát hỗ trợ của giảng viên và thợ xây có kinh nghiệm thực tế học viên hăng hái tích cực thực hành.

Dự án được thực hiện đầu tiên ở thị trấn Quân Chu từ năm 2013. Trước khi thực hiện Dự án, số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh ở thị trấn là 418/1.000 hộ, đạt 41,12%, trong đó, có 127 hộ chưa từng có nhà tiêu. Đến năm 2016, Thị trấn đã hoàn thành 13/13 xóm có 100% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt danh hiệu “Cộng đồng 100% có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh”

Tương tự như vậy, ở xã Quân Chu trước khi kích hoạt Dự án, số hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh là 39,4%, số hộ chưa có nhà tiêu chiếm 20%, đặc biệt ở một số xóm trước khi kích hoạt có tới 65,18% số hộ chưa có nhà tiêu. Đến nay, 100% số hộ có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh

Ngoài Quân Chu, hiện nay, Dự án đã được mở rộng phạm vi hoạt động sang các xã: Phú Thịnh, Phúc Lương, Phú Cường, Tân Linh với tổng giá trị viện trợ 1,5 tỷ đồng. Qua thực hiện Dự án, các địa phương đều được cải thiện về điều kiện vệ sinh môi trường, chính vì thế Dự án đã có sự lan tỏa ra các địa phương khác mặc dù không được triển khai thực hiện Dự án như: Thị trấn Hùng Sơn có 5 tổ dân phố; xã Hà Thượng có 3 xóm…

Ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ cho biết: Tính đến nay, toàn huyện đã có khoảng 60 xóm, tổ dân phố được công nhận Cộng đồng 100% có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ đó, đã có sự thay đổi rõ rệt về hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục đặc biệt là hoạt động về vệ sinh môi trường ở nông thôn; cộng đồng dân cư ở nhiều địa phương đã nhận thức được tác hại của hành động đi vệ sinh bừa bãi, qua đó thay đổi thói quen để chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Không chỉ hỗ trợ xây dựng nhà tiêu, Dự án còn có nhiều hoạt động như: Tổ chức các buổi kích hoạt tại cộng đồng “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ”, nhằm giúp cho cộng đồng thấy được mối nguy hại của chất thải khi phóng uế bừa bãi, không được thu gom, quản lý. Ngoài ra, duy trì hoạt động của các tổ chức nhóm, hộ gia đình, mỗi kỳ sinh hoạt đều có chủ đề, nội dung sinh hoạt cụ thể, tại đây các thành viên sẽ trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến sức khỏe, vệ sinh môi trường, gia đình…

Không những thế, Dự án còn hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp mua sắm trang thiết bị hỗ trợ tổ chức ngày hội đọc sách và ngày đọc sách gia đình và nhiều hoạt động khác, như: Tổ chức sự kiện truyền thông về sức khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, truyền thông rửa tay với xà phòng; tổ chức truyền thông phân loại thu gom xử lý rác thải; tập huấn dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân và cán bộ y tế cơ sở của các xã thực hiện Dự án; cung cấp một số trang thiết bị cho trạm y tế và y tế thôn bản...

Thông qua các hoạt động của Dự án, đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh, làm thay đổi tập quán lạc hậu bằng hành vi, thói quen có lợi trong cộng đồng.