Những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa… đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đó là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống đang làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm.
Thông tin này được TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại Hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Y tế tổ chức ngày 11/4, tại Hà Nội.
Theo TS Trương Đình Bắc, tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là các bệnh tim mạch, ung thư, huyết áp, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp... Những căn bệnh này là “sát thủ” hàng đầu, đang chiếm 73% số ca tử vong hằng năm. Tỷ lệ quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp.
Năm 2015, có 86,4% số người bệnh tăng huyết áp chưa được điều trị, còn đái tháo đường là 71,7%. Trong khi đó, việc quản lý điều trị ở tuyến cơ sở bị bỏ bê. Chỉ có 19% số bệnh nhân lĩnh thuốc tăng huyết áp và 8% lĩnh thuốc đái tháo đường ở trạm y tế xã, còn đa số đi khám và điều trị ở tuyến trên. Rất ít trạm y tế xã quản lý bệnh không lây nhiễm.
Bên cạnh đó, các dịch vụ cho bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã rất hạn chế, như hệ thống dịch vụ phân tán, thiếu kết nối. Chưa đến 15% số trạm y tế xã quản lý điều trị tăng huyết áp, dưới 5% số trạm y tế quản lý điều trị đái tháo đường. Hầu hết chưa cung cấp dịch vụ về ung thư, thiếu cả số lượng và chủng loại thuốc điều trị đặc biệt; năng lực cán bộ y tế cơ sở còn hạn chế.
Thực tế đã chứng minh, việc các trạm y tế xã không quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm là một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh này vẫn trở thành gánh nặng tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có tới 8 người do mắc bệnh không lây nhiễm, trong 548 nghìn ca tử vong của năm 2016, có 424 nghìn ca chết vì mắc bệnh không lây nhiễm, số lượng người mắc đang gia tăng từng ngày,...
Vì vậy, TS. Trương Đình Bắc nhấn mạnh việc phải củng cố, nâng cao năng lực của các trạm y tế xã trong hoạt động dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm hiệu quả, với 4 nhóm giải pháp.
Một là, củng cố mạng lưới phòng chống bệnh không lây nhiễm từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện. Tại tuyến tỉnh, các trung tâm kiểm soát bệnh tật (hoặc trung tâm y tế dự phòng) phải trở thành đầu mối tham mưu, giúp việc cho Sở Y tế về công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm ở địa phương. Tại tuyến huyện, cần có bệnh viện hoặc phòng khám có đủ năng lực chỉ đạo chuyên môn khám, chữa bệnh, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, để ký hợp đồng bảo hiểm y tế cho trạm y tế xã. Các trạm y tế xã triển khai dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm.
Hai là, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về phạm vi hành nghề, bảo hiểm y tế, các quy định, hướng dẫn chuyên môn, danh mục cấp thuốc cho trạm y tế xã.
Ba là, tăng cường năng lực cho cán bộ y tế cơ sở. Tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật, giám sát, cầm tay chỉ việc cho trạm y tế xã định kỳ…
Bốn là, triển khai nhiệm vụ về bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở. Trong đó tập trung triển khai các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống, phát hiện sớm đánh giá nguy cơ, sàng lọc phát hiện bệnh tại các cơ sở y tế…/.