Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật thường xuyên các ca bệnh mới mắc bệnh bạch hầu ở các tỉnh miền Nam của nước ta như Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai…, trong đó ghi nhận 3 trường hợp tử vong. Thưc tế này khiến cho không ít người dân Thái Nguyên lo lắng.
Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Sở Y tế, Thái Nguyên vẫn đang nằm trong vùng “an toàn” bởi công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh, kể cả những địa bàn vùng sâu, vùng xã vẫn đang được thực hiện nền nếp, có hiệu quả.
Tìm hiểu thực tế tại một số xã, phường, thị trấn, chúng tôi nhận thấy người dân hiểu biết rất đầy đủ về tầm quan trọng của Chương trình tiêm chủng mở rộng. Anh Nguyễn Duy Thịnh, đường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Con trai tôi đã được 18 tháng tuổi. Từ khi sinh ra đến nay, cháu đã tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin (miễn phí) theo Chương trình tiêm chủng mở rộng như: BCG - phòng bệnh lao; viêm gan B; vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib; phòng bại liệt (OPV) với 3 liều uống; phòng bệnh sởi; tiêm nhắc lại bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DPT); viêm não Nhật Bản. Tôi cho rằng đây là một Chương trình rất có ý nghĩa, giúp chúng ta phòng trách được các loại bệnh nguy hiểm ngay từ những ngày đầu đời cho con trẻ.
Không chỉ riêng ở thành thị, tại các địa bàn nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, xa, người dân cũng chấp hành nghiêm việc đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Anh Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ bản người Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) cho hay: Phụ nữ Mỏ Chì vất vả lắm, nhưng chẳng ai quên đưa con đi tiêm phòng cả. Các cháu đều có phiếu theo dõi nên trẻ nào cũng được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin. Đã nhiều năm rồi trẻ em bản mình không bị mắc các bệnh như bạch hầu, uống ván, bại liệt, ho gà...
Đây là một thực tế rất đáng mừng bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số tỉnh nằm ở khu vực miền Nam của nước ta, bệnh bạch hầu quay trở lại là do địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của những tỉnh này vẫn khó tiếp cận với hoạt động tiêm chủng. Nhiều người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chưa nắm được đầy đủ thông tin, chưa hiểu rõ về vai trò quan trọng của vắc - xin trong việc phòng chống bệnh bạch hầu. Chính vì vậy, trẻ không được tiêm hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ nên dễ mắc bệnh.
Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Tuy nhiên, bệnh nàycó thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch. Bởi vậy, ngành Y tế đang tiếp tục chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân không lơ là, mất cảnh giác và chủ quan với bệnh bạch hầu và các bệnh truyền nhiễm, cũng như các bệnh được tiêm phòng vắc - xin miễn phí, nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành Y tế cũng yêu cầu các bộ phận liên quan, cán bộ y tế nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo quản các loại vắc - xin; thực hiện tiêm đúng kỹ thuật…
Một thông tin vui là so với cùng kỳ năm ngoái, 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc- xin đạt hơn 40%, cao hơn gần 27% so với năm ngoái (năm 2019, nguồn cung ứng vắc - xin 5 trong 1 bị gián đoạn do thiếu nguồn cung). Theo đó, tỷ lệ trẻ tiêm phòng vắc - xin viêm não Nhật Bản đạt trên 36%, uốn ván đạt xấp xỉ 30%, sởi ũi 2 đạt 36% và viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện đạt khoảng 87%... Đây là nền tảng để Thái Nguyên tiếp tục nằm trong vùng “an toàn” và nói “không” với nhiều căn bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm dễ bùng phát trong cộng đồng.