Thái Nguyên đang có gần 1,3 triệu dân, trong đó người cao tuổi chiếm trên 10%. So với cả nước, tuổi thọ bình quân của người dân trong tỉnh khá cao (73,6 tuổi) nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh còn thấp, người cao tuổi (NCT) thường mắc từ 2 đến 4 bệnh mạn tính. Do đó, để nâng cao chất lượng sống cho người dân, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NCT là rất cần thiết, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết: Do hệ thống miễn dịch của NCT yếu hơn người trẻ nên rất dễ nhiễm COVID-19. NCT luôn có nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính (tim, phổi, tiểu đường hoặc thận...), làm suy yếu khả năng miễn dịch khiến cơ thể khó chống đỡ lại các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, NCT (thường từ 60 tuổi trở lên) mắc COVID-19 sẽ khiến cho các bệnh mạn tính trở nặng hơn, rất dễ tử vong.
Minh chứng rõ nét cho những nhận định của bác sĩ Nhung là gần 1 tháng qua (từ thời điểm dịch bệnh nguy hiểm này tái xuất hiện trong cộng đồng ở nước ta), Việt Nam đã có gần 30 ca mắc COVID-19 tử vong. Hầu hết những bệnh nhân này đều là NCT, có bệnh lý nền kèm theo như đang phải chạy thận nhân tạo, tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường...
Bà Nguyễn Thị Tư, 82 tuổi, tổ dân phố số 7, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Vì có bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường nên tôi rất lo bị nhiễm COVID-19. Trước đây, cứ buổi chiều là tôi đi bộ ngay trong các tuyến đường của tổ dân phố để rèn luyện sức khỏe, nay dịch quay trở lại, tôi hạn chế ra đường vì sợ bị lây nhiễm.
Có lẽ không riêng bà Tư mà hầu hết người dân Thái Nguyên, đặc biệt là những NCT đều lo lắng về dịch COVID-19. Cho đến thời điểm này, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới chưa nghiên cứu thành công vắc – xin tiêm phòng COVID-19. Vì vậy, mỗi người dân, nhất là NCT nên có lối sống lành mạnh để “sống chung an toàn” với dịch bệnh. Bác sĩ Nhung nói: Một trong những yêu cầu quan trọng nhất đối với NCT là phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và nơi công cộng; duy trì việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây/lần mỗi khi đi vệ sinh, trước bữa ăn, sau khi xì mũi, ho, hắt hơi.
Với Thái Nguyên, dù dịch bệnh chưa xuất hiện trở lại (kể từ cuối tháng 3 đến nay) nhưng NCT cũng nên hạn chế ra đường, đến chỗ đông người, sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, xe ô tô khách, tới các bệnh viện... Trong trường hợp phải đến nơi đông người thì nên giữ khoảng cách với mọi người khoảng một mét. Nếu là trường hợp mắc các bệnh mạn tính, NCT nên đến bệnh viện để nhận thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài hơn (tối thiểu là 2 tháng). Đồng thời, dự trữ những vật dụng cần sử dụng hàng ngày để tránh tình trạng ra ngoài vào mùa dịch thường xuyên, đến chỗ đông người như chợ, siêu thị.
Để phòng, tránh dịch COVID-19, các gia đình, nhất là những hộ đang có bố mẹ, ông, bà là NCT lưu ý vệ sinh nhà cửa thường xuyên, lau chùi tay nắm cửa, cầu thang và những nơi thường xuyên có bề mặt tiếp xúc với tay để bảo vệ sức khỏe NCT; mở cửa sổ các phòng để đón ánh nắng và gió, giúp nhà cửa thoáng khí; không để NCT dùng chung đồ đạc như khăn tắm, điện thoại, máy tính… với các thành viên khác trong gia đình.
Với những NCT mắc các bệnh mãn tính, rất cần việc kiểm soát tốt bằng thuốc, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Do đó, bản thân mỗi NCT nên có ý thức trong việc điều trị bệnh và bổ sung dinh dưỡng; dung nạp thêm các loại thực phẩmcó nhiều calo, đạm, vitamin, chất khoáng để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể; hằng ngày luyên tập thể dục phù hợp với lứa tuổi…
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp,đòi hỏi mỗi NCT phải sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc người cao tuổi luôn lo lắng, hoang mang vì dịch bệnh mà hãy luôn lạc quan, tin tưởng vào các cấp, ngành chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh…