Các đồng nghiệp vẫn gọi các bác sĩ, kỹ thuật viên… của Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) như thế, bởi tuy không trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân nhưng những con người ấy đã ngày đêm “gầm ghì” trong phòng xét nghiệm để phát hiện mầm bệnh vu rút mới (trong đó có SARS-Cov-2); giúp chẩn đoán chính xác đột biến gen gây bệnh lý di truyền, bệnh dị ứng, miễn dịch… Từ đó, giúp các đồng nghiệp đưa ra những giải pháp, phác đồ hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh và điều trị cho bệnh nhân.
Khoa Miễn dịch – Di truyền phân tử hiện có 12 cán bộ trong đó có 3 bác sĩ thường xuyên, 1 bác sĩ kiêm nhiệm và 2 cán bộ mới được đăng cường từ thời điểm Thái Nguyên có dịch (tháng 3 vừa qua). Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Bệnh viện, là đơn vị khá non trẻ (mới thành lập và đi vào hoạt động từ 6-2017) nhưng thời gian qua Khoa luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao (năm 2019 tiến hành xét nghiệm gần 5.000 mẫu bệnh phẩm). Trong đó đáng biểu dương nhất là những đóng góp cho “cuộc chiến” chống COVID-19 của Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ tháng 3-2020, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã được Bộ Y tế cấp phép và trở thành đơn vị thứ 6 trong cả nước được phép xét nghiệm sàng lọc và khẳng định đối với các trường hợp dương tính với vi rút SARS-Cov-2. Và đơn vị được thực hiện trọng trách này chính là Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử. Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thị Thu Hương, Trưởng khoa cho biết: Khi chưa có dịch bệnh, công việc của Khoa đã ngổn ngang, có dịch bệnh chúng tôi càng phải nỗ lực hơn. Còn nhớ hồi cuối tháng 3, khi tiến hành xét nghiệm, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân 178 cho kết quả dương tính với vi rút SARS-Cov-2, mọi người nghe kết quả mà như “sét đáng ngang tai”. Ngay sau đó, tôi yêu cầu kỹ thuật viên làm xét nghiệm lại một lần nữa, rồi mới dám công bố.
Những ngày gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, cán bộ trong Khoa luôn trong tình trạng quá tải, phải thay nhau trực “xuyên” đêm. Không chỉ xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm cho những người đi về từ vùng dịch về Thái Nguyên, họ còn xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang… Trung bình, mỗi ngày, Khoa phải thực hiện từ 800 đến 900 mẫu xét nghiệm nhưng ai cũng vui vẻ vì thấy mình đóng góp được phần công sức nhỏ bé cho công tác chống dịch.
Được nghe chị Hương chia sẻ về những công việc thường nhật của bản thân và các đồng nghiệp, chúng tôi cảm nhận ở vị Trưởng khoa này sự quyết đoán và tình yêu với công việc và nghiên cứu khoa học. Khác với nhiều đồng nghiệp ở đây, chị Hương làm công tác giảng dạy ở Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên trong một thời gian dài (từ khi tốt nghiệp, năm 2003 đến năm 2015 mới thực hiện thêm nhiệm vụ làm công tác chuyên môn). Chị cho hay: Thực hiện hai nhiệm vụ cùng một lúc, vừa tham gia giảng dạy, vừa làm công tác chuyên môn tuy vất vả nhưng đã cho tôi những trải nghiệm thực tế, giúp tôi có những giờ giảng bài thật sự chất lượng. Đặc biệt, giúp tôi tiếp cận được với những ca bệnh vô cùng đặc biệt, nhất là những trường hợp có gen lặn Thalassemia (tan máu bẩm sinh).
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thị Thu Hương, khi hai người cùng mang gen bệnh mà kết hôn với nhau nguy cơ đứa con sinh ra mang gen bệnh của bố mẹ rất lớn. Bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh phải điều trị suốt cuộc đời, chi phí lớn, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bởi thế, việc tiến hành xét nghiệm sẽ giúp chẩn đoán bệnh chính xác, từ đó tuyên truyền, tư vấn hôn nhân cho người mang gen bệnh trên địa bàn tỉnh, vận động họ đi khám sức khỏe định kỳ…
Như để giải thích rõ hơn về bệnh tan máu bẩm sinh, chị Hương và anh Trần Trung Anh, Kỹ thuật viên trưởng của Khoa đã dẫn chứng về một ca bệnh ở Phú Bình, điều trị tại Bệnh viện cách đây chưa lâu. Trước đó, nữ bệnh nhân này đã mang thai ba lần nhưng đều bị sẩy thai mà không rõ nguyên nhân. Sau khi làm xét nghiệm, bệnh nhân được xác định mang gen lặn Thalassemia và bác sĩ Hương chính là người tư vấn, tuyên truyền trực tiếp để bệnh nhân có kiến thức về phòng tránh bệnh khi có ý định mang thai và sinh con.
Ngoài vai trò xét nghiệm chẩn đoán các mầm bệnh sinh học ở mức độ gen; tiên lượng, theo dõi kết quả điều trị một số bệnh lý như đo tải lượng vi rút viêm gan B, C, HIV, xác định đột biến gen kháng thuốc của vi khuẩn lao; chẩn đoán các bệnh ung thư ở mức độ gen; tham gia chẩn đoán chuẩn bị cho ghép tạng và theo dõi sau ghép tạng; tham gia chẩn đoán đột biến gen gây các bệnh lý di truyền… Khoa còn tham gia sàng lọc và chẩn đoán trước sinh các bệnh lý chuyển hóa, di truyền gồm hội chứng Down, Hội chứng Edwards, tăng sản thượng thận bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh… Mới đấy nhất, Khoa đã xét nghiệm và phát hiện một trẻ sơ sinh ở Bắc Kạn bị suy giáp bẩm sinh. Thông qua đó, đã giúp các đồng nghiệp đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả, giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa…
Có thể thấy, công việc của cán bộ Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử mang rất nhiều ý nghĩa. Tính chất công việc tuy không ồn ào như ở khu vực khám, chữa bệnh, kịch tính như ở nơi ngày đêm thực hiện các ca cấp cứu… nhưng họ luôn lặng lẽ ở phía sau để giúp các đồng nghiệp thực hiện công tác khám, chữa bệnh hiệu quả nhất. Tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, thời gian tới, Khoa sẽ không ngừng phát triển, tiếp cận các xét nghiệm mới, chuyên sâu, nhằm giúp cho người dân có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật cao, được chẩn đoán bệnh chính xác, sớm, ngay tại địa phương, góp phần điều trị bệnh hiệu quả và giảm chi phí.