20 năm trước, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Việt Nam đã thành công trong việc thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc. Điều này đồng nghĩa với việc ở nước ta nói chung, Thái Nguyên nói riêng không còn bệnh nhân nào mắc bệnh bại liệt do vi rút bại liệt hoang dại gây nên. Tuy nhiên, để bảo vệ thành quả đã đạt được, ngày 31-7 vừa qua, tỉnh đã ban hành Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) năm 2020-2021.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với mục tiêu tỷ lệ tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin phòng bệnh bại liệt đạt từ 95% trở lên, chúng tôi sẽ triển khai tiêm phòng từ quý IV năm 2020 đến quý II năm 2021, tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhất là ở các địa bàn có tỷ lệ tiêm phòng thường xuyên đạt thấp hoặc nguy cơ xảy ra dịch như vùng sâu, xa, giáp ranh giữa các địa phương, vùng dân di cư mới, khu công nghiệp. Đối tượng được tiêm bù lần này là trẻ em sinh từ ngày 1/3/2016 đến 28/2/2018 chưa được tiêm vắc xin IPV trong đợt tiêm chủng thường xuyên (trừ trường hợp có bằng chứng đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phối hợp có thành phần phòng bệnh bại liệt)…
Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm, gây ra do nhiễm virus Polio theo đường tiêu hóa, có thể bùng phát thành dịch. Triệu chứng bệnh bại liệt thường gặp là hội chứng liệt mềm cấp. Bệnh có thể dự phòng được bằng cách tạo ra miễn dịch chủ động khi tiêm chủng vắc xin bại liệt. Ngoài ra, để phòng, chống bệnh, việc tuyên truyền giáo dục cộng đồng vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân, đảm bảo vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, tuân thủ các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cần thiết. Bên cạnh đó là tăng cường giám sát tại những vùng, những điểm có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh như trạm y tế, bệnh viện khu vực, nhà trẻ, trường học... |
Theo kế hoạch, dự kiến toàn tỉnh có trên 42.800 trẻ tiêm vắc xin IPV. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bại liệt, thời gian qua, trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc tại các xã, phường, thị trấn tiến hành điều tra (trong các trường học, tại cộng đồng), lập danh sách các trường hợp nằm trong diện tiêm bổ sung. Cùng với đó, công tác truyền thông cũng đã được đẩy mạnh để người dân hiểu và đưa con đến tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Ông Chu Đức Lợi, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho hay: Chúng tôi đã nắm được kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bại liệt của tỉnh. Ngoài việc phân công các cộng tác viên dân số, y tế thôn bản đến tận hộ dân tuyên truyền trực tiếp cho bà con, hằng ngày, địa phương đã thông báo trên các cụm loa truyền thanh về đối tượng, thời gian, địa điểm tổ chức tiêm chủng để người dân nắm được. Dự kiến, tiêm chủng sẽ được thực hiện ngay tại Trạm Y tế của thị trấn, kết hợp với tiêm chủng thường xuyên tại đơn vị, đúng như tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, các trạm y tế cấp xã trong tỉnh cũng đang phối hợp với các trường mầm non trên địa bàn thực hiện truyền thông trực tiếp cho các bậc phụ huynh và học sinh về sự cần thiết của việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bại liệt; gửi giấy mời cho phụ huynh học sinh thông báo thời gian, địa điểm tiêm chủng; khuyến cáo các gia đình cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm chủng...
Theo kế hoạch, hoạt động tiêm chủng sẽ bắt đầu vào tháng 10 (đầu quý IV năm 2020). Do đó, bên cạnh hoạt động tuyên truyền của các địa phương, đơn vị, ngành Y tế cũng đã có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ vắc xin IPV cũng như phương án bảo quản vắc xin tốt nhất. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở y tế phải đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng như khám sàng lọc trước khi tiêm; không để quá 100 người/bàn tiêm/buổi tiêm cho riêng vắc xin IPV hoặc không quá 50 người/bàn tiêm/buổi tiêm nếu tiêm cùng các vắc xin khác… Đặc biệt, yêu cầu các địa điểm tiêm bố trí các đội cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời tai biến nặng sau tiêm nếu có.