“LÀM SẠCH” DỮ LIỆU TIÊM CHỦNG COVID-19:
Một nhiệm vụ - nhiều ý nghĩa

Tùng Lâm 10:44, 16/09/2022

Sau một thời gian triển khai, đến nay Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất tích cực trong việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Đến cuối tháng 8, các đơn vị trong ngành Y tế đã phối hợp với Công an tỉnh xác thực dữ liệu tiêm chủng, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trang bị chữ ký số cho 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Theo đó, đã có trên 3,1/3,3 triệu mũi tiêm thực tế được cập nhật trên hệ thống…

Ngành Y tế tỉnh phối hợp với lực lượng Công an tiến hành kiểm tra việc làm sạch dữ liệu tiêm chủng COVID-19 tại cơ sở.
Ngành Y tế tỉnh phối hợp với lực lượng Công an tiến hành kiểm tra việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19 tại cơ sở.

Trong số các mũi tiêm được cập nhật trên hệ thống có 2.959.248 mũi tiêm tương đương với 1.277.443 người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh đã được ký hộ chiếu vắc-xin. Ngoài ra, đến thời điểm này, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh (222 cơ sở) thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử…

Tuy nhiên, để đạt được kết quả này không phải là chuyện dễ dàng khi Thái Nguyên gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu bắt tay vào “làm sạch” dữ liệu. Đơn cử như việc triển khai tiêm chủng ở các nhà máy, xí nghiệp, nhất là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên chỉ có mạng nội bộ, do đó không cập nhật kịp thời tại địa điểm tiêm vắc-xin. Thêm vào đó, quá trình cung cấp thông tin (tên, tuổi, địa chỉ) của người dân chưa chính xác, còn trường hợp mượn tên của người thân để đi làm trong khu công nghiệp, số điện thoại khác nhau giữa các lần tiêm cũng ảnh hưởng đến việc “làm sạch” dữ liệu. 

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: Có trường hợp người dân đến tiêm không có chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD) và chưa có mã định danh (công nhân ở các khu công nghiệp, người già, người dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa) cũng gây nhiều cản trở trong việc “làm sạch” dữ liệu.

Liên quan đến vấn đề này có sự ảnh hưởng rất lớn từ việc nền tảng tiêm chủng COVID-19 và phần mềm về dân cư quốc gia còn chưa được đồng bộ hoàn chỉnh nên đôi khi còn xử lý chậm. Số lượng phản ánh của người dân về chứng nhận tiêm chủng vắc-xin COVID-19 trong thời điểm 6 tháng cuối năm 2021 còn nhiều (tập trung tại TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công và huyện Phú Bình) nhưng chưa được xử lý kịp thời do trùng với các đợt chiến dịch tiêm chủng, nhân lực y tế các cấp huy động tham gia chống dịch COVID-19 nên việc xử lý thông tin phản ánh còn chậm, chưa triệt để…

 

Trước những khó khăn trên, các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã tập trung vào cuộc để thực hiện việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 một cách nhanh nhất. Ngoài ra, ngành Y tế đã tạo điều kiện để cán bộ tại các cơ sở tiêm chủng COVID-19 được tham gia các lớp tập huấn về sử dụng phần mềm tiêm chủng. 

Ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên chia sẻ: Dựa trên kế hoạch tiêm, các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố đã bố trí cán bộ và thiết bị công nghệ thông tin nhằm cập nhật kịp thời các mũi tiêm lên Nền tảng tiêm chủng COVID-19. Nhờ đó chúng tôi đã thực hiện rất tốt việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vắc-xin COVID-19.

Cán bộ y tế tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người cao tuổi.
Cán bộ y tế tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người cao tuổi.

Từ thực tế cho thấy, việc “làm sạch” để liên thông dữ liệu không những phục vụ dữ liệu về tiêm chủng COVID-19, giúp hoàn thiện việc ký xác thực hộ chiếu vắc-xin điện tử của công dân mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về tương lai, như: Góp phần quản lý sức khỏe toàn dân, đẩy nhanh tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với ngành Y tế trong việc khám, chữa bệnh không dùng giấy, sử dụng bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh… 

Vì lẽ đó, việc xây dựng nền tảng dữ liệu này rất quan trọng, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Y tế, tạo mọi tiện ích cho người dân trong quá trình tiếp cận các dịch vụ của ngành Y tế tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đòi hỏi phải thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. 

Ông Hoàng Hải cho biết thêm: Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh đã chỉ đạo các tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã chỉ đạo trạm y tế lập danh sách các đối tượng tiêm chủng COVID-19 thường trú trên địa bàn bị sai thông tin (không có số CMND, CCCD; sai định dạng số CMND, CCCD; sai thông tin cá nhân cơ bản như  số CMND, CCCD, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính). Từ đó, tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã giao cho tổ công tác triển khai Đề án 06 ở các thôn, xóm tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh thông tin. Sau đó, danh sách được chuyển tới công an cấp xã để thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Lực lượng công an cấp xã ký và bàn giao danh sách cho trạm y tế để lưu trữ và cập nhật, bổ sung thông tin của các đối tượng trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19… 

Có thể thấy, cùng với việc kịp thời khắc phục những khó khăn, thực hiện việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 bảo đảm nghiêm ngặt, đúng quy định, Thái Nguyên đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cả nước. Đây chính là tiền đề để ngành Y tế tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong thời gian tới.