Hiệu quả từ đầu tư hạ tầng, trang thiết bị y tế

Tùng Lâm 08:38, 09/09/2022

Không chỉ chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, những năm qua, ngành Y tế Thái Nguyên đã tập trung các giải pháp để nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế, đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế (bao gồm cả vận động xã hội hóa). Nhờ đó, hạ tầng ở các cơ sở y tế ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Từ cuối tháng 3-2022, Bệnh viện A Thái Nguyên đã lắp đặt hệ thống xét nghiệm huyết học tự động hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh trong quá trình chuyển đổi số.
Từ cuối tháng 3-2022, Bệnh viện A Thái Nguyên đã lắp đặt hệ thống xét nghiệm huyết học tự động hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh trong quá trình chuyển đổi số.

Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên có quy mô 250 giường bệnh và 15 khoa, phòng chức năng. Trung bình mỗi năm, Bệnh viện khám, chữa bệnh cho khoảng 6.000 lượt người và điều trị nội trú cho hơn 5.000 lượt bệnh nhân. Hiện, Bệnh viện đã điều trị hiệu quả một số bệnh như: Liệt nửa người do tai biến mạch máu não, các bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh về khớp và thần kinh...

Bác sĩ CKII Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cho biết: Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của đơn vị còn có sự quan tâm, tạo điều kiện trong việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Y tế và của tỉnh. Đặc biệt, Bệnh viện đang được đầu tư xây mới cơ sở vật chất ở xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên). Công trình hoàn thiện, đi vào sử dụng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong, ngoài tỉnh.

Chúng tôi được biết, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có tổng mức đầu tư trên 266 tỷ đồng, cơ cấu nguồn vốn bao gồm: Nguồn vốn ngân sách Trung ương; nguồn ngân sách tỉnh; nguồn dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất khu vực trụ sở cũ của Bệnh viện; nguồn vốn của Bệnh viện và nguồn vốn xã hội hóa. Lũy kế khối lượng thực hiện Dự án đến hết năm 2021 là trên 46 tỷ đồng (các loại nguồn vốn). Theo đó, kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2022 đầu tư cho Dự án là trên 5 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 85% nguồn vốn được giao.

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh chỉ là một trong nhiều công trình đã được tỉnh đầu tư trong 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các trạm y tế cũng đã được quan tâm đầu tư xây, nâng cấp từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, xã hội hóa...

Đơn cử như Trạm Y tế xã Tiên Hội (Đại Từ), được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa với số tiền trên 5,6 tỷ đồng, đưa vào sử dụng hơn một năm nay đã đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn.

Bà Lục Thị Ngọc, một người dân trong xã Tiên Hội, nói: Từ ngày xã có Trạm Y tế mới khang trang, phòng điều trị nội trú sạch đẹp hơn, người dân chúng tôi khi đến khám, chữa các loại bệnh thông thường như điều trị viêm phổi, viêm phế quản phổi… thường ở lại tuyến cơ sở để điều trị thay vì xin lên tuyến trên như trước.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Qua đó, tuyến xã được nâng cấp trụ sở làm việc, trang bị máy móc, công cụ và dụng cụ thiết yếu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân ngay tại cơ sở như thực hiện các ca sinh thông thường, khám sức khỏe định kỳ cho bà con… góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến huyện.

Theo đó, tuyến huyện, tỉnh cũng đã được nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư các thiết bị kỹ thuật cao phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh trên địa bàn. Đồng thời giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương; giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân.

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định: Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế đã đáp ứng theo quy định của Bộ Y tế. Các thiết bị, công cụ thiết yếu được đầu tư cơ bản đã đáp ứng được hoạt động chuyên môn thường xuyên tại các đơn vị, giúp nâng cao năng lực chẩn đoán, tăng cường hiệu quả điều trị. Đáng nói, nhờ có sự can thiệp của thiết bị, nhiều ca bệnh khó trước đây phải chuyển tuyến bây giờ có thể điều trị ngay tại cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh. Nhờ đó góp phần không nhỏ để nâng cao chất lượng bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Để nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên, ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn...

Năm 2022, ngành Y tế Thái Nguyên có 2 dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách địa phương (Dự án Xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Pháp Y tỉnh Thái Nguyên và Dự án Bệnh viện y học cổ truyền giai đoạn 1).

Ngoài ra, Ngành còn có 19 công trình sửa chữa, bảo dưỡng sử dụng nguồn vốn sự nghiệp. Các công trình này sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả cao trong công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn.