Siết chặt quản lý chất lượng thuốc

Tùng Lâm 07:45, 05/10/2022

Là một loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thuốc điều trị có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chữa bệnh. Do đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc luôn được ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Y tế Thái Nguyên đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế thực hiện giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc tại trên 30 cơ sở y tế, doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm, nhà thuốc trên địa bàn.

Nhà thuốc Bệnh viện A Thái Nguyên luôn chấp hành các quy định trong kinh doanh dược phẩm.

Thực tế cho thấy, thị trường thuốc ở Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng tăng mạnh về số lượng, chủng loại với nhiều dạng bào chế, hoạt chất mới, thuốc đa thành phần, đặc biệt là các thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc được sản xuất bằng công nghệ cao (nanosome, liposome)…

Là mặt hàng “đặc biệt”, nhiều loại thuốc được bán với giá rất cao, nên trên thị trường từng xuất hiện không ít thuốc giả. Do được sản xuất rất tinh vi, có nhãn mác, kiểu dáng, bao bì giống với thuốc chính hiệu, khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được. Vì vậy, nhiều người dân đã bày tỏ sự lo lắng mua phải thuốc kém chất lượng, thuốc giả mỗi khi đi khám bệnh và mua thuốc điều trị. 

Chị Nguyễn Thị Dung, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cho biết: Khi mang đơn thuốc bác sĩ kê ra quầy thuốc, do không có loại thuốc giống với nhãn mác bác sĩ kê, chủ quầy thuốc tư vấn cho tôi chuyển sang dùng sản phẩm của hãng dược khác và giải thích là cùng thành phần thuốc điều trị. Nghe giải thích như thế, tôi đồng ý nhưng trong lòng rất lo ngại về chất lượng nhãn hiệu mà quầy thuốc đã giới thiệu…

Hiểu được những lo lắng đó, nhằm ngăn chặn vấn nạn thuốc giả, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân, thời gian qua, ngành Y tế Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc dưới nhiều hình thức. Theo đó, Ngành đã chỉ đạo phòng Y tế các huyện, thành phố; Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng đối với thuốc nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã ra thông báo và hướng dẫn thu hồi đối với 10 loại thuốc, 10 loại mỹ phẩm theo thông báo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Đồng thời, cấp gần 20 giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc; duyệt dự trù thuốc gây nghiện, hướng tâm thần (hơn 10 đơn hàng) cho các đơn vị. 

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng: Đảm bảo chất lượng thuốc tới tay người sử dụng, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật là mục tiêu ngành Y tế đề ra. Vì vậy, để làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế thực hiện thường xuyên việc kiểm nghiệm thuốc. Qua đó, đảm bảo từ khâu sản xuất, tồn trữ, lưu thông, phân phối cho đến khi thuốc tới tay người sử dụng đều hợp lý, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, kiểm nghiệm thuốc còn giúp xác định sự phù hợp các chỉ tiêu chất lượng của mẫu đem thử với các chỉ tiêu bắt buộc cho sản phẩm đó. Kết quả kiểm nghiệm không chỉ có ý nghĩa kỹ thuật mà còn về mặt pháp lý, thuận tiện cho việc xử lý các vấn đề liên quan đến chất lượng thuốc, là căn cứ để đưa ra quyết định sử dụng hay thu hồi của cả lô thuốc.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, 9 tháng qua, ngoài thực hiện giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc tại các cơ sở y tế, quầy thuốc, doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm, Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế còn tổ chức kiểm nghiệm trên 370 mẫu thuốc. Đáng mừng là qua kiểm tra, giá sát, kiểm nghiệm, các cơ sở y tế, quầy thuốc, doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản chấp hành đúng các quy định về đảm bảo chất lượng thuốc. Riêng với việc kiểm nghiệm mẫu thuốc, trên 250 mẫu lấy chưa xuất hiện các mẫu thuốc không đạt yêu cầu. Đối với gần 120 mẫu gửi, qua kiểm nghiểm, cơ quan chức năng đã phát hiện 2 mẫu không đạt yêu cầu.

Để thực hiện có hiệu quả và siết chặt hơn nữa công tác quản lý, giám sát chất lượng thuốc, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc buôn bán, nhập khẩu và sử dụng các loại thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu, thuốc có nghi ngờ về chất lượng; điều tra, truy tìm tận gốc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc nhập lậu; chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế tăng cường việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường...

Cùng với đó, ngành Y tế tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn liên quan việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược, tập trung vào việc kiểm tra các quy định liên quan đến việc mua bán thuốc, nguồn gốc xuất xứ của thuốc; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các truờng hợp vi phạm…


Từ khóa:

quản lý

thuốc

dược phẩm