Khoảng 2 tuần qua, trên địa bàn Thái Nguyên xuất hiện khá nhiều trường hợp mắc các bệnh về đường hô hấp; cúm mùa, nhất là ở trẻ nhỏ. Tại một số trường học, tình trạng học sinh nghỉ học do ốm sốt, viêm họng, cảm cúm tăng khá cao.
Khám các bệnh về tai mũi họng cho trẻ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. |
Trường Tiểu học Bình Sơn (TP. Sông Công) những ngày qua xuất hiện khá nhiều trường hợp sốt cao, ho, cảm cúm. Cô giáo Hoàng Phương Trang cho hay: Tôi bị cảm cúm hơn 1 tuần nay. Hiện tôi không còn bị sốt nhưng vẫn ho liên tục. Để đảm bảo giờ dạy, những giáo viên bị ốm như tôi vẫn cố gắng lên lớp. Tuy nhiên, với học sinh, sức đề kháng kém hơn, khi bị viêm họng cấp, cảm cúm, sốt cao không thể đi học nên có em đã xin nghỉ học gần 1 tuần. Chỉ riêng lớp học do tôi chủ nhiệm (lớp 3C), đang có 7 em nghỉ học do bi các bệnh liên quan đến đường hô hấp và cảm cúm.
Số trường hợp mắc các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm không chỉ gia tăng trong các trường học, công sở mà ở lứa trẻ nhỏ từ 36 tháng tuổi trở xuống. Khảo sát tại Phòng Khám Nhi khoa An Thịnh, số 438/1 đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) những ngày qua, chúng tôi nhận thấy rất nhiều phụ huynh đưa con đến đây khám do có triệu chứng sốt cao, ho...
Anh Lưu Thành Chung, ở phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), nói: Do công việc bận rộn nên vợ chồng tôi tranh thủ đưa con trai đi khám ngoài giờ làm việc. Con trai tôi được gần 13 tháng tuổi. Thường ngày, cháu ăn ngoan, ngủ ngon nhưng hai hôm nay cháu có hiện tượng sốt cao, quấy khóc, ho nhiều, kém ăn và có hiện tượng nôn trớ. Qua thăm khám, bác sĩ của Phòng Khám Nhi khoa An Thịnh chẩn đoán cháu bị viêm họng cấp… Bác sĩ giải thích với gia đình tôi rằng, nguyên nhân mắc bệnh của con là do vi rút nên cháu được chỉ định dùng thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, giảm ho, long đờm, chống ngạt tắc mũi… để cơ thể có khả năng tự sản sinh ra kháng thể chống lại các bệnh lý này.
Đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường, ngày nắng nóng, đêm lạnh, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch từ 13-15 độ C nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả người lớn, người già và trẻ nhỏ. Trong đó, trẻ em, sức đề kháng kém, rất dễ bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp, cảm cám, cúm A, cúm B… Do đi học tập trung nên các em rất dễ lây cúm của nhau, nhất là ở các trường mầm non, tiểu học có tổ chức ăn bán trú, ngủ tập trung ngay tại trường.
Các bệnh liên quan đến đường hô hấp, cảm cúm dù không nguy hiểm nhưng nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng khá nguy hiểm. Ở trẻ em, sốt cao trên 40 độc C có thể xuất hiện tình trạng co giật, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe…
Bởi vậy, để phòng, tránh các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp, cảm cúm…, thạc sĩ, bác sĩ Vũ Quang Huy, Trưởng Khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học; ăn uống cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Cùng với đó là thường xuyên vệ sinh tai mũi họng cho các em đúng cách theo hướng dẫn của chuyên gia y tế. Khi trẻ bị ốm, sốt, không nên tự ý mua thuốc sử dụng một cách bừa bãi, làm gia tăng nguy cơ tai biến và kháng thuốc mà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách.
Đáng nói, do chưa cảm nhận được các triệu chứng của bệnh nên khi có hiện tượng ốm, sốt, mệt mỏi… trẻ rất cần sự quan tâm, theo dõi của phụ huynh. Trong trường hợp được điều trị ngoại trú tại nhà theo đơn thuốc của các bác sĩ, ngoài việc cho trẻ uống thuốc đúng giờ, phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, theo dõi diễn biến sức khỏe của trẻ và cho trẻ đến các cơ sở y tế khi thấy bệnh có những diễn tiến tăng nặng…
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa kể trên, phụ huynh cũng nên đưa trẻ đi tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh như phòng phế cầu xâm nhập, cúm… để giúp trẻ tăng sức đề kháng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin