Yêu nghề bằng cả trái tim

Huệ Dinh 08:44, 26/02/2023

Lặng lẽ cống hiến, suốt những năm qua, hơn 5.200 “thiên thần” áo trắng nơi vùng đất chiến khu xưa - Thái Nguyên - vẫn đang ngày đêm dốc tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với họ, công việc dẫu có khó khăn, vất vả nhưng sức khỏe và sự bình yên của người dân mới là thứ quan trọng nhất.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đại Từ lấy mẫu máu xét nghiệm cho người dân xã Phú Thịnh.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đại Từ lấy mẫu máu xét nghiệm cho người dân xã Phú Thịnh.

Khắc ghi lời thề Hippocrates

Với sinh viên trường y, lời thề Hippocrates được xem như lời tuyên thệ, nguyện cống hiến và hy sinh tất cả cho sự nghiệp cứu người. Bởi vậy, dù là một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường hay một bác sĩ đã làm trong nghề mấy chục năm thì lời thề ấy vẫn mãi vẹn nguyên trong tim.

Và chính vì lời thề nguyện vinh quang, sướng khổ cùng nghề ấy đã thôi thúc những bước chân lên đường, đến với tâm dịch COVID-19 của các “thiên thần” áo trắng ở mảnh đất Thái Nguyên. Khi ấy (từ giữa năm đến tháng 10-2021), số người dân tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của Việt Nam vẫn vô cùng ít ỏi, dịch bệnh lan rộng ở các tỉnh miền Nam, người nhiễm bệnh có những triệu chứng nặng, nhiều trường hợp tử vong nên hàng nghìn cán bộ y tế của Thái Nguyễn và sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên đã tình nguyện đến tâm dịch hỗ trợ đồng nghiệp khám, chữa bệnh cho người dân.

Bác sĩ Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: Trách nhiệm của những người thầy thuốc đã thôi thúc chúng tôi lên đường, chung tay cùng đồng nghiệp đối phó với dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe của người dân. 

Trân trọng lời thề, trân trọng nghề nghiệp, lực lượng y, bác sĩ của Thái Nguyên đã không ngừng hoàn thiện bản thân để thực hiện thật tốt nhiệm vụ chuyên môn. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Phước Bình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, tâm sự: Khi xác định theo nghề y, tôi đã chuẩn bị trước tinh thần để vượt qua những vất vả, gian truân. Đó là những đêm trực thức trắng đêm, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà hay những khi con ốm, ho, sốt  không thể xin nghỉ… Dù có như vậy, tôi vẫn yêu công việc mình đã chọn. Đây chính là lý do để tôi luôn nỗ lực hết mình cho việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới phục vụ khám, chữa bệnh…

Chính sự nhiệt huyết của bác sĩ Bình và hàng nghìn y, bác sĩ, điều dưỡng đang công tác tại 1 bệnh viện hạng đặc biệt, 12 bệnh viện tuyến tỉnh, 24 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tuyến huyện và tương đương (trong đó có 13 cơ sở KCB tư nhân), 178 trạm y tế tuyến xã trong tỉnh đã giúp cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Thái Nguyên đạt kết quả tốt.

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho hay: Thời gian qua, công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh được duy trì rất tốt. Chỉ riêng năm 2022, các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh cho trên 1,1 triệu lượt người, tăng hơn 110 nghìn lượt so với năm trước. Đáng nói, cùng với việc nâng cao nguồn nhân lực, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Quân Y 91, bệnh viện các ngành đã tích cực cải tiến, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, góp phần tích cực trong phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lan tỏa tình yêu thương

Công việc chuyên môn luôn bận rộn, vất vả nhưng những chiến sĩ áo trắng vẫn dành thời gian để làm những việc thiện lành thông qua hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân vùng cao, đặc biệt khó khăn, người cao tuổi, người thuộc gia đình chính sách…

Lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện A Thái Nguyên tặng quà cho bệnh nhân dịp Tết Nguyên đán 2023.
Lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện A Thái Nguyên tặng quà cho bệnh nhân dịp Tết Nguyên đán 2023.

Đơn cử như Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, ngay trước thềm Tết Nguyên đán 2023, đã tổ chức chương trình khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi ở xã Tân Long (Đồng Hỷ). Trong chuyến thiện nguyện này, Đoàn công tác của Bệnh viện đã khám, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho trên 200 lượt người, tặng 10 suất quà cho người cao tuổi, gia đình chính sách với tổng giá trị gần 54 triệu đồng. Không những thế, các thầy thuốc của Bệnh viện còn rất tích cực hiến máu cứu người. Riêng năm 2022 đã có 11 y, bác sĩ, điều dưỡng tham gia hiến máu nhân đạo.

Bác sĩ CKII Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện, cho biết: Khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí là hoạt động thường niên của chúng tôi. Có chuyên môn và tâm huyết, cán bộ của Bệnh viện không quản ngại khó khăn, vất vả để đến những địa bàn còn nhiều gian khó của tỉnh. Bởi chúng tôi biết, ở nơi đó, người dân vùng khó rất cần chúng tôi.

Tương tự, hằng năm, Bệnh viện A Thái Nguyên, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, Trung tâm Y tế huyện Đại Từ… cũng có những hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, Xuân về; nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2); Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7)… Với những “thiên thần” áo trắng, cho đi là còn mãi.

Bác sĩ Lê Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ, nói: Với lực lượng cán bộ có trình độ, năng lực, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chúng tôi còn tổ chức nhiều chương trình khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân trên địa bàn. Tháng 7-2022, nhằm tri ân các Anh hùng liệt sĩ; thương, bệnh binh; gia đình chính sách, chúng tôi đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện, Công ty Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 200 lượt người ở xã Phú Thịnh. Chúng tôi tâm niệm, cán bộ ngành Y luôn phải có một trái tim biết yêu thương để lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng.

Thời gian lướt nhanh như “bóng câu qua cửa”, thoáng cái, Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) đã đến gần. Mong cho những “thiên thần” áo trắng của Thái Nguyên và khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc mãi giữ cho mình trái tim nhiệt huyết và tâm hồn thiện lành, tiếp tục thực hiện thật tốt sứ mệnh cao cả: Chữa bệnh, cứu người.