Hướng đến mô hình bệnh viện thông minh

Vi Vân 07:42, 01/03/2023

Thực hiện sự chỉ đạo của ngành Y tế và UBND huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp, áp dụng chuyển đổi số (CĐS) trong các khâu khám, chữa bệnh. Qua đó góp phần tiết kiệm thời gian làm thủ tục cho người dân khi vào viện, đồng thời không ngừng nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh.

Khoa khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình được trang bị đầy đủ các trang, thiết bị máy móc hiện đại, giúp người dân dễ dàng thao tác lấy số tự động, tra cứu thông tin về bệnh viện, giá các dịch vụ y tế…
Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình được trang bị nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Chuyên khoa I Đồng Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình, cho biết: Đơn vị hiện có 176 cán bộ, nhân viên. Trong đó có 40 bác sĩ, 98 điều dưỡng, còn lại là dược sĩ, hộ lý… chia làm 13 khoa, phòng, khu điều trị. Trung bình mỗi năm, Bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 70.000 lượt người. Để đáp ứng được nhu cầu của số đông bệnh nhân, Bệnh viện đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa dữ liệu trong khám và điều trị.

Theo Bác sĩ Thành, ngay từ năm 2011, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình đã chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng thực hiện CĐS. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật của Bệnh viện đã được trang bị đầy đủ; các phần mềm quản lý và điều hành được nâng cao; bệnh án điện tử (EMR) được áp dụng và thực hiện thành công… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh; tiết kiệm thời gian của người dân khi đến khám.

Đơn cử như tại Khoa Khám bệnh, thiết bị đọc mã vạch, hệ thống lấy số xếp hàng, bảng thông báo điện tử, ki-ốt thông tin (cho phép bệnh nhân và người nhà tra cứu thông tin về bệnh viện, thông tin về giá dịch vụ y tế…) được trang bị đầy đủ; phòng máy chủ có thiết bị kiểm soát người vào và ra, đo thân nhiệt…

Bà Nghiêm Thị Tú, ở xóm Phú Mỹ, xã Lương Phú, cho hay: Khi đưa cháu đến nhập viện, tôi lấy số và chờ gọi vào khám mà không phải xếp hàng, chờ đợi lâu như trước. Nhờ đó, tôi và gia đình tiết kiệm được khá nhiều thời gian.

Chị Nguyễn Thị Thu, Tổ trưởng Tổ công nghệ thông tin của Bệnh viện, thông tin: Được giao nhiệm vụ phụ trách CĐS của đơn vị, sau khi tham khảo thực tế một số bệnh viện cùng hạng ở Hà Nội, tôi đã tham mưu với lãnh đạo Bệnh viện các điều kiện để thực hiện quá trình số hóa. Tiếp đó, phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm tổ chức cho cán bộ, nhân viên các khoa, phòng tập huấn về CĐS theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Ban đầu, khi tiếp cận với lĩnh vực này, một số nhân viên còn chưa quen, thao tác còn chậm, phải hướng dẫn nhiều lần. Tuy nhiên, sau một thời gian thường xuyên tiếp cận, giờ đây tất cả đều đã quen thuộc với việc áp dụng CĐS trong từng khâu khám, chữa bệnh. Đến nay, các quy trình trong khám và điều trị bệnh của bác sĩ và bệnh nhân nhân được thực hiện nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều.

Ngoài ra, chuyển biến mạnh nhất phải kể đến là Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình đã thực hiện thành công bệnh án điện tử. Bác sĩ Đồng Văn Thành thông tin thêm: Bệnh án điện tử là nơi lưu trữ, quản lý thông tin của bệnh nhân (tên, địa chỉ, các dịch vụ khám, chữa bệnh đã thực hiện, đơn thuốc, kết quả xét nghiệm…). Những thông tin này được lưu trữ trên phần mềm, giúp bác sĩ và bệnh nhân có thể dễ dàng tra cứu, xem lại lịch sử khám bệnh ở bất kỳ đâu, nhờ các thiết bị kết nối mạng Internet; đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh chính xác, tránh thực hiện các xét nghiệm không cần thiết gây lãng phí tiền bạc cho bệnh nhân hay tránh các sai lầm không đáng có trong y khoa. So với bệnh án truyền thống (những thông tin, chẩn đoán và chữa trị của bệnh nhân… phải ghi chép bằng tay) thì bệnh án điện tử giúp cả bác sĩ và bệnh nhân tiết kiệm thời gian và chi phí khám, chữa bệnh. 

Từ những kết quả đạt được và xác định CĐS là tiến trình phát triển của xã hội, thời gian tới, bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chuyển hoàn toàn sang sử dụng bệnh án điện tử, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình sẽ tiếp tục đầu tư thêm hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ CĐS. "Đơn vị phấn đấu hoàn thiện bệnh án điện tử vào năm 2025 và phát triển thành bệnh viện thông minh vào năm 2030" - Bác sĩ Đồng Văn Thành khẳng định.



Bệnh viện Emcas trang bị xe lưu động