Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4.400 cán bộ y tế, trong đó tuyến huyện có trên 1.550 người, tuyến xã có gần 1.080 người. Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian qua, ngành Y tế luôn chú trọng chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó giúp cán bộ y tế tuyến cơ sở nâng cao tay nghề, xử trí thành công nhiều ca bệnh khó, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thần Sa (Võ Nhai) khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vào tháng 2 vừa qua. |
Xác định con người là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, ngành Y tế luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ tuyến cơ sở được đi học, nâng cao trình độ tay nghề. Theo đó, 5 năm trở lại đây, mỗi năm, Ngành tạo điều kiện cho hằng trăm cán bộ được đi học các khóa đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng, đào tạo ngắn ngày.
Đặc biệt, ngành Y tế còn thường xuyên cử viên chức đi đào tạo định hướng chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến Trung ương và các cơ sở đào tạo; tổ chức đào tạo liên tục cho cán bộ công chức, viên chức trong Ngành.
Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ đi học nâng cao trình độ, nhất là với những chuyên khoa đang còn kham hiếm bác sĩ. Đơn cử như Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ, hiện có trên 110 cán bộ y tế, trong đó có 23 bác sĩ. Hằng năm, Bệnh viện vẫn tạo điều kiện cho các bác sĩ, điều dưỡng đi học các lớp bồi dưỡng do các bệnh viện tuyến trên tổ chức; đi học chương trình đại học, sau đại học… Không dừng lại ở đó, mỗi năm, Bệnh viện còn tạo điều kiện cho từ 2 đến 4 cán bộ được tham gia đào tạo định hướng chuyên khoa; đào tạo chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II…
Hay như Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, để nâng cao chất lượng đội ngũ, đơn vị này thường xuyên liên kết với các bệnh viện lớn, trường đại học để cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao tay nghề; mời các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi về đào tạo cho cán bộ ngay tại Trung tâm theo hướng “cầm tay, chỉ việc”. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng lên. Hiện, trong số trên 260 cán bộ của đơn vị có trên 40 người có trình độ bác sĩ, trong đó nhiều người có trình độ sau đại học.
Không chỉ tạo điều kiện cho cán bộ đi đào tạo, đào tạo lại, ngành Y tế còn khuyến khích công chức, viên chức tuyến cơ sở tăng cường nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, đưa ra giải pháp thực hiện có hiệu quả về lĩnh vực khám, chữa bệnh và dự phòng. Riêng trong năm 2022, toàn Ngành đã có trên 230 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được công nhận, trong đó tuyến cơ sở chiếm trên 50%.
Nhằm đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, cùng với đào tạo về chuyên môn, nghiên cứu khoa học, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành Y tế còn quan tâm nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi y đức cho mỗi cán bộ, đảng viên trong Ngành. Đồng thời tạo điều kiện, tập huấn, hướng dẫn để cán bộ toàn Ngành, trong đó có cán bộ y tế cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc (quản lý công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh).
Đến nay, hầu hết cơ sở y tế tuyến cơ sở đã ứng dụng nền tảng quản lý hồ sơ sức khỏe ; khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip điện tử; 100% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện triển khai thực hiện bệnh án điện tử…
Có thể thấy, sau nhiều nỗ lực, số cán bộ y tế tuyến cơ sở được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng tăng lên. Đến nay, ngoài hơn 2.000 bác sĩ toàn tỉnh (trong đó có hơn 50% bác sĩ tuyến cơ sở) đã được đào tạo định hướng hướng chuyên khoa, trong đó nhiều người có trình độ sau đại học thì lực lượng cán bộ y tế còn lại (điều dưỡng, kỹ thuật viên…), nhiều người đã có trình độ đại học, cao đẳng…
Đáng nói, tại tuyến xã (178 trạm y tế), đã có gần 150 bác sĩ và hàng trăm cử nhân điều dưỡng. Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho rằng: Khi trình độ nâng lên, đồng nghĩa với việc năng suất, hiệu quả công việc cũng tăng cao hơn. Cán bộ y tế không chỉ nắm vững chuyên môn mà còn có thái độ tích cực hơn trong công việc.
Tuyến y tế cơ sở đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó do tuyến trên chuyển giao. Cụ thể như kỹ thuật cấp cứu, chuyển viện an toàn, xử trí các tai biến chuyên khoa thường gặp, xét nghiệm thường quy… Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa Phú Bình đã thực hiện được kỹ thuật tán sỏi thận qua da cho người bệnh; Bệnh viện đa khoa Đại Từ đã thực hiện mổ cắt u xơ, u nang buồn trứng; mổ nội soi chửa ngoài tử cung, cắt viêm ruột thừa từ nhiều năm nay…
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cán bộ thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở có trình độ về quản lý, chuyên môn, nhất là đội ngũ y, bác sĩ trẻ, giàu nhiệt huyết; phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo, khả năng tiếp cận và từng bước làm chủ những kỹ thuật mới cho cán bộ y tế cở sở; chú trọng, bồi dưỡng, tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin