Cùng với tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2023, mức đóng, chế độ, quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó có khám, chữa bệnh BHYT cũng được điều chỉnh phù hợp với quy định. Sự điều chỉnh này đang thu hút sự quan tâm của không ít người dân Thái Nguyên.
Nhờ tham gia BHYT, nhiều người dân được chẩn đoán hình ảnh bằng các thiết bị y tế hiện đại trong quá trình khám, chữa bệnh. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên chẩn đoán hình ảnh. |
Theo quy định hiện hành của Nhà nước, chi phí cho 1 lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì người tham gia BHYT được thanh toán 100% chi phí. Do đó, ngay khi tăng mức lương cơ sở thì mức chi phí cho một lần khám, chữa bệnh cũng sẽ thay đổi.
Trước đây, với mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng, mức chi phí khám, chữa bệnh một lần được BHYT chi trả 100% (tức là người dân không phải thực hiện đồng chi trả) khi số tiền thanh toán thấp hơn 223,5 nghìn đồng.
Còn hiện nay, khi mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng, mức chi phí khám, chữa bệnh một lần được BHYT chi trả 100% khi số tiền thấp hơn 270 nghìn đồng.
Bà Nguyễn Thị Tèo, một người dân ở xã Bình Thuận (Đại Từ), nói: Trước đây, chỉ cần số tiền chi trả vượt quá quy định 15 hoặc 20 nghìn đồng là chúng tôi không được BHYT chi trả 100% số tiền phải thanh toán cho một lần khám, chữa bệnh. Do đó, với người dân nông thôn, việc tăng mức chi phí khám chữa bệnh một lần được BHYT chi trả 100% (tăng thêm 46,5 nghìn đồng từ ngày 1/7/2023) rất có ý nghĩa, giúp những người dân nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn vơi bớt một phần gánh nặng. Đặc biệt, chúng tôi sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu, điều trị các bệnh thông thường ngay tại trạm y tế xã mà không còn phải lo lắng về chi phí…
Không chỉ tăng mức chi phí khám, chữa bệnh một lần được BHYT chi trả 100%, khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, điều kiện hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh cũng thay đổi.
Ngoài các nhóm đối tượng chính sách, người tham gia BHYT chỉ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh khi có đủ 5 năm tham gia BHYT liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Cụ thể, trong năm, nếu số tiền khám, chữa bệnh mà người bệnh đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở do quỹ BHYT thanh toán và người bệnh được chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh từ thời điểm này cho đến hết năm. Tuy nhiên, khi mức lương cơ sở tăng, điều kiện để được miễn đồng chi trả cũng thay đổi.
Theo đó, 6 tháng đầu năm nay (từ 1-1 đến 30/6/2023), khi mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 8,94 triệu đồng (6 tháng lương cơ sở) thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở do quỹ BHYT thanh toán, người bệnh được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh từ thời điểm này cho đến hết năm.
Từ ngày 1/7/2023, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên phải có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 10,8 triệu đồng (6 tháng lương cơ sở) mới được hưởng các quyền lợi trên.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Trong năm 2022, tổng số lượt khám, chữa bệnh BHYT trên địa bản tỉnh là 1.678.477 lượt người, trong đó có 279.200 bệnh nhân nội trú; tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT là trên 1.480 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, chính sách từ BHYT đã mang lại nhiều quyền lợi thiết thực cho người dân, nhất là với người dân vùng khó.
Bởi vậy, sự điều chỉnh mức đóng, chế độ, quyền lợi hưởng BHYT, nhất là với khám chữa bệnh BHYT, sẽ tác động không nhỏ tới tâm lý người dân trong tỉnh.
Do đó, để người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định trong khám, chữa bệnh BHYT, rất cần sự quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền của các cấp, ngành chức năng… Qua đó giúp bà con hiểu được, đi kèm với quyền lợi (được tăng mức chi phí khám, chữa bệnh một lần được BHYT chi trả 100%) là trách nhiệm và nghĩa vụ của người hưởng BHYT…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin