Thái Nguyên: Không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống

Tùng Lâm 14:19, 20/07/2023

Với trên 384 nghìn nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 4 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% dân số của tỉnh. Những năm 1980-1990, tại Thái Nguyên vẫn có tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, từ những năm 2000 trở lại đây, tình trạng này đã không còn.

Cán bộ y tế xã Thần Sa (Võ Nhai) tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về Luật Hô nhân và gia đình; không để xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Cán bộ y tế xã Thần Sa (Võ Nhai) tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đạt được kết quả này là do các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân.

Cụ thể, hệ thống tư pháp; cán bộ phụ trách công tác dân số từ tỉnh, huyện đến xã đã tích cực tuyên truyền cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình thông qua việc phát tờ rơi, tờ gấp; qua các cụm loa truyền thanh và trực tiếp tại hộ dân.

Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong một số hội nghị, sự kiện ở cơ sở, để thực hiện tuyên truyền các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình cho người dân.

Thông qua đó, giúp người dân, nhất là người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh - nơi từng có nhiều hủ tục lạc hậu, hiểu được rằng hôn nhân cận huyết thống gây ra những hệ lụy về sức khỏe, bệnh tật.

Theo nghiên cứu, trẻ sinh ra từ các cặp chồng cận huyết có tỷ lệ dị dạng và dị tật cao hoặc có nguy cơ mắc các bệnh như bạch tạng, mù màu, da vảy cá, tan máu bẩm sinh, bệnh máu trắng… và nguy cơ tử vong lớn. Về duy trì phát triển nòi giống có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái giống nòi. Về tập quán, đạo đức xã hội, hôn nhân cận huyết thống làm đảo lộn các mối quan hệ trong gia đình, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa đạo đức tốt đẹp của dân tộc.