Nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng, hội viên Hội Nông dân huyện Phú Bình đã không ngừng nâng cao trách nhiệm trong việc sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn. Từ đó nâng cao chất lượng, giá trị nông sản trên địa bàn huyện, đồng thời tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Người lao động tại Cơ sở sản xuất nem bùi Hải Tuyết (xã Thượng Đình) tuân thủ việc mặc bảo hộ, sát khuẩn tay trước khi vào nhà xưởng. |
Hội Nông dân huyện Phú Bình hiện có trên 22.400 hội viên, sinh hoạt ở 20 cơ sở hội. Xác định rõ tầm quan trọng của việc sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn, Hội Nông dân huyện luôn chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, chế biến.
Bà Vũ Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình, cho biết: Hàng năm, chúng tôi phối hợp với các ban, ngành, đơn vị của địa phương tổ chức tập huấn kiến thức về sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn đến hội viên. Nội dung tập huấn gồm: nói không với chất cấm trong chăn nuôi; thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phụ gia; vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế…
Cùng với đó, Hội Nông dân huyện tổ chức cho hội viên ký cam kết “3 không” (không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc) trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, giúp hội viên nhận biết được tác hại của thực phẩm không an toàn, nâng cao ý thức trong sản xuất - kinh doanh.
Ví dụ như tại Cơ sở sản xuất nem bùi Hải Tuyết, có địa chỉ ở xóm Hàng Tài, xã Thượng Đình, nhà xưởng luôn được vệ sinh sạch sẽ; dụng cụ chế biến được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; công nhân trực tiếp tham gia sản xuất trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, sát khuẩn tay trước khi vào nhà xưởng…
Ông Nguyễn Đức Hải, chủ Cơ sở sản xuất nem bùi Hải Tuyết, cho hay: Vì là cơ sở chuyên sản xuất thực phẩm tươi lên men nên chúng tôi đặc biệt chú trọng khâu đảm bảo vệ sinh. Tôi yêu cầu các nhân viên trước khi vào khu vực sản xuất phải thay trang phục, mặc bảo hộ, đeo khẩu trang…; trong quá trình sản xuất phải tuân thủ nguyên tắc 1 chiều - từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra được tách biệt nhau; trước và sau khi sản xuất xong phải rửa sạch và vệ sinh dụng cụ chế biến bằng nước sôi để tiêu diệt vi khuẩn, mầm bệnh. Còn đối với khâu nhập nguyên liệu, chúng tôi ký hợp đồng cung ứng với Công ty TNHH Meat Deli (Hà Nam) - đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm thịt lợn đảm bảo an toàn.
Tương tự, tại Cơ sở sản xuất mỳ gạo của gia đình ông Dương Viết Truyền, ở tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Hương Sơn, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng luôn được đặt lên hàng đầu.
Ông Truyền chia sẻ: Gia đình tôi sản xuất mỳ gạo đã 10 năm nay. Trung bình mỗi tháng, tôi xuất bán gần 100 tạ mỳ. Trong tất cả các khâu từ nhập nguyên liệu đến ngâm gạo, chế biến thành sản phẩm, tôi đều kiểm tra cẩn thận. Đối với gạo, tôi đặt hàng của một đơn vị chuyên cung ứng trên địa bàn. Nếu chất lượng gạo không đảm bảo, có hiện tượng mốc, chuyển màu… tôi yêu cầu trả lại. Về nước để ngâm gạo, tôi sử dụng nước giếng khoan và định kỳ 6-12 tháng, sẽ mang mẫu nước đi kiểm tra.
Nhờ không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, nhiều năm nay, trên địa bàn huyện Phú Bình không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Mỗi năm, toàn huyện có hàng chục nghìn hội viên nông dân ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương do hội viên nông dân sản xuất như: cao ngựa bạch Trường Nguyên; nem bùi Hải Tuyết; tương Úc Kỳ; thịt hươu sấy; dầu lạc… được công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao, được người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn đón nhận.
Thời gian tới, để địa phương có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, tiêu biểu, Hội Nông dân huyện Phú Bình tiếp tục tuyên truyền đến toàn thể hội viên về sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm an toàn; vận động các hội viên tích cực tham gia phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản; tiếp tục là “cầu nối” quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung cấp tới người tiêu dùng các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin