Chiều 6-10, theo tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tại đây vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân nguy kịch sau khi bị mèo cắn vào tay.
Nam bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. |
Theo đó, người đàn ông 35 tuổi (ở Thái Nguyên) vốn có tiền sử khỏe mạnh, làm nghề thợ xây. Cách thời điểm vào viện 1 tháng, bệnh nhân bị mèo cắn vào tay. Sau một tuần, mèo chết nhưng bệnh nhân không đi tiêm phòng dại.
Trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau nhức người, đau cột sống thắt lưng. Sau khi tắm xong, bệnh nhân xuất hiện kích thích, bồn chồn, tức ngực, khó thở, sợ gió, sợ nước, tăng tiết đờm dãi, khạc nhổ nhiều lần. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) trong tình trạng biểu hiện nêu trên.
Bệnh nhân được theo dõi thể dại hung dữ. Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân vẫn hôn mê, được dùng an thần, thở máy. Hiện, bệnh nhân đã có kết quả khẳng định với bệnh dại.
Thời gian qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một số ca bệnh dại cũng như nhiều bệnh nhân bị chó, mèo dại tới thăm khám, tiêm phòng.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Việt Nam vẫn ghi nhận từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Riêng 8 tháng năm 2023, có 61 người tử vong do bệnh dại, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Để phòng, chống bệnh dại, các bác sĩ khuyến cáo, tất cả mọi người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc Nam.
Khi bị chó, mèo cắn nên xử lý vết thương, rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó, rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn.
Đặc biệt, người dân nên tới các cơ sở y tế, trung tâm vắc-xin để được tư vấn, sử dụng vắc-xin dại hoặc dùng cả vắc-xin và huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng tùy theo tình trạng vết cắn…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin