Khoảng 5 năm trở lại đây, công tác xã hội hóa y tế đã được đẩy mạnh tại Thái Nguyên. Đến nay, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng các bệnh viện, cơ sở y tế, mở rộng mạng lưới y tế ngoài công lập. Qua đó góp phần chia sẻ với hệ thống y tế công lập trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân; đưa dịch vụ kỹ thuật cao, đa dạng vào phục vụ người dân.
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. |
Đa dạng hóa các loại hình y tế
Nhiều năm nay, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh uy tín của người dân trong, ngoài tỉnh. Đi vào hoạt động từ đầu năm 2014, đến nay, Bệnh viện được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như: Máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy; máy chụp cộng hưởng từ; máy nội soi màu 4 chiều; hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, miễn dịch hoàn toàn tự động; hệ thống máy phẫu thuật nội soi; nội soi chẩn đoán; hệ thống máy thở hiện đại.
Với trên 300 cán bộ, người lao động, mỗi tháng, Bệnh viện khám bệnh cho trên 22.200 lượt người, trong đó có hơn 2.100 lượt người điều trị nội trú.
Bà Hoàng Thị Mới, đến từ tỉnh Bắc Kạn, cho hay: 3 tháng trước, tôi có hiện tượng khó nuốt, bụng đầy hơi, ăn ngủ kém. Khi đến Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên khám sức khỏe, các bác sĩ kết luận tôi bị viêm hang vị, trào ngược dạ dày; kê đơn thuốc, tư vấn chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi cho tôi. Sau tái khám, tình trạng bệnh của tôi đã được cải thiện rất nhiều… Khám bệnh tại đây, tôi nhận thấy thái độ phục vụ của nhân viên y tế rất tốt, người bệnh không phải chờ đợi lâu.
Mổ, xử lý thoát vị bẹn cho bệnh nhân 71 tuổi tại Bệnh viện An Phú Thái Nguyên. |
Ngoài Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, 4 bệnh viện tư nhân còn lại trên địa bàn tỉnh (Bệnh viện đa khoa Yên Bình, Bệnh viện đa khoa Trung tâm, Bệnh viện An Phú, Bệnh viện Việt Bắc 1) và Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên cũng đang hoạt động khá hiệu quả. Nhờ luôn mang đến cho người bệnh những dịch vụ y tế tốt nhất, các bệnh viện này đã thu hút được lượng lớn người đến khám, chữa bệnh.
Ngoài hệ thống các bệnh viện, hàng loạt cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn tỉnh cũng được thành lập từ nguồn xã hội hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 451 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, 125 phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền.
Theo ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế: Các cơ sở y tế tư nhân không chỉ tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần tích cực vào công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn giúp đa dạng hóa các loại hình y tế trên địa bàn. Qua đó giúp người dân có thêm lựa chọn khi có nhu cầu khám, chữa bệnh.
Giảm tải cho y tế tuyến trên
Luôn mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, bổ sung nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại; cải tiến, nâng cao chất lượng bệnh viện, thực hành 5S và đổi mới phong cách, thái độ phục vụ nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các cơ sở y tế ngoài công lập đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, hiện đại; điều trị hiệu quả nhiều ca bệnh phức tạp, góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên.
Đơn cử như Bệnh viện đa khoa Yên Bình đã thực hiện được nhiều dịch vụ y tế như: Xét nghiệm HbA1c giúp tầm soát sớm bệnh đái tháo đường; khám tầm soát ung thư… Đặc biệt, Bệnh viện có thể xử trí nhiều ca bệnh khó. Như hồi đầu tháng 11-2023, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân N.T.V (44 tuổi, ở TP. Phổ Yên) bị đa chấn thương do tai nạn giao thông. Trước đó, chị V. được đưa đến Bệnh viện trong tình trạng sốc đa chấn thương (vỡ lách, gãy cung sau xương sườn 3, 4, 5, 8 trái, gãy 1/3 giữa xương đòn trái, gãy xương bả vai trái). Sau 2 tuần được điều trị tích cực, bệnh nhân đã hồi phục, được xuất viện.
Các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Yên Bình phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị đa chấn thương do tai nạn giao thông hồi đầu tháng 11 vừa qua. |
Bác sĩ CKII. Nguyễn Văn Tự, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Yên Bình, cho biết: Tình trạng vỡ lách độ 5 của bệnh nhân (lách bị vỡ hoàn toàn, đứt cuống lách) gây chảy máu trong ổ bụng khá nghiêm trọng, có thể gây tử vong rất nhanh nếu không được xử trí kịp thời. Với tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn cao, tích cực cập nhật, ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, các bác sĩ của Bệnh viện đã thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp, độ khó cao, cấp cứu thành công bệnh nhân; đồng thời giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, nhận định: Trong khi nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống y tế công lập còn hạn chế thì xã hội hóa chính là sự lựa chọn tối ưu cho ngành Y tế. Việc mở rộng xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh giúp ngành Y tế phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hơn nữa, việc xã hội hóa y tế còn thúc đẩy, tạo ra áp lực để đội ngũ thầy thuốc luôn đổi mới, nâng cao tay nghề.
Thực tế cho thấy, hiệu quả của xã hội hóa y tế đã tác động nhiều mặt, nhiều chiều đến quá trình hiện đại hóa ngành Y tế và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho y tế, khuyến khích mạnh mẽ việc xã hội hóa y tế, phối hợp y tế công - tư trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin