Hiện nay, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên có gần 400 cán bộ, nhân viên. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian qua, Trung tâm luôn quan tâm tới công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ. Nhờ đó, đến nay Trung tâm có thể thực hiện được nhiều kỹ thuật mới trong điều trị cũng như sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp về y tế.
PGS.TS.BSCC Nguyễn Tuyết Xương, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Nhi Trung ương, hướng dẫn cán bộ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên chẩn đoán bệnh theo hướng "cầm tay chỉ việc". |
Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, cho hay: Việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ giúp đánh giá khả năng, kỹ năng của từng nhân viên. Đồng thời giúp Ban Giám đốc Trung tâm phát hiện ra điểm mạnh của từng người để bố trí nhân sự đúng sở trường. Do đó, chúng tôi luôn quan tâm tới công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ y tế trong toàn đơn vị.
Cùng với việc tạo điều kiện cho cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng các khóa học ngắn hạn, dài hạn, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo tại chỗ theo hướng cầm tay chỉ việc.
Đơn cử như mới đây, đơn vị đã mời PGS.TS.BSCC Nguyễn Tuyết Xương, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam, Phó Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng - Đại học Quốc gia Hà Nội, về trực tiếp giảng dạy, phẫu thuật và chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ cho khoa Răng Hàm Mặt - Mắt - Tai Mũi Họng của Trung tâm.
Bác sĩ Hà Đức Trịnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, PGS.TS.BSCC Nguyễn Tuyết Xương sẽ tiếp tục đồng hành với chúng tôi để từng bước chuyển giao các kỹ thuật mới, hiện đại, từ đó giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các y, bác sĩ của đơn vị cũng như giúp người dân trên địa bàn được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật tốt nhất, đặc biệt là chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Với mục tiêu từ tháng 12-2024 sẽ triển khai quản lý, điều trị hen và COPD, trước đó (tháng 12-2023), Trung tâm cũng đã tổ chức tập huấn hỗ trợ chuyên môn về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản cho các học viên là các bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng viên tham gia.
Bác sĩ Lương Thị Hoa, Khoa Kiểm soát, Nhiễm khuẩn và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên), nói: Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới, là tình trạng viêm mãn tính đường thở do tiếp xúc với các yếu tố độc hại từ môi trường. Lớp tập huấn đã giúp cho các bác sĩ, điều dưỡng viên, dược sĩ được bổ sung nâng cao kiến thức về chẩn đoán và điều trị COPD như các triệu chứng lâm sàng của đợt cấp COPD, hậu quả của đợt cấp; các xét nghiệm cần làm và cách chẩn đoán xác định đợt cấp COPD, cách điều trị COPD; cách nhận biết cơn hen phế quản, chẩn đoán hen, cách điều trị hen phế quản nặng… Đặc biệt là nâng cao kiến thức về chẩn đoán và điều trị bệnh HEN-COPD, cập nhật kiến thức mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong khám, chữa bệnh.
Cùng với việc tổ chức đào tạo tại chỗ, Trung tâm còn cử cán bộ tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề do ngành Y tế tổ chức. Một trong những chuyên đề cán bộ Trung tâm được tham gia thời gian qua phải kể đến là “Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan siêu vi B, cập nhật các xét nghiệm nhanh trong chẩn đoán một số bệnh truyền nhiễm do sốt xuất huyết Dengue, Cúm và Rota virus”.
Tại đây, cán bộ của Trung tâm đã được cập nhật các kiến thức mới trong chẩn đoán và điều trị viêm gan siêu vi B; chẩn đoán một số bệnh truyền nhiễm do sốt xuất huyến Dengue, Cúm... Qua đó áp dụng hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị cho người dân trên địa bàn.
Có thể khẳng định, trong khoảng 3 năm trở lại đây, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên đã có những bước đột phá trong công tác khám, chữa bệnh, trở thành địa chỉ “đỏ” của người dân trên địa bàn. Chính việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế đi kèm với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ đã giúp Trung tâm ngày càng nâng cao vị thế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin