Đã nửa tháng trôi qua kể từ khi nước lũ bắt đầu rút, nhưng trên địa bàn tỉnh không phát sinh bất cứ ổ dịch truyền nhiễm nào. Đây được xem là thành công bước đầu trong việc khống chế dịch bệnh của chính quyền từ tỉnh tới cơ sở nói chung, ngành Y tế nói riêng. Nhiều giải pháp được tỉnh triển khai để có được kết quả này.
Cán bộ Trạm Y tế xã Xuân Phương (Phú Bình) phun hóa chất khử khuẩn cho các hộ dân trên địa bàn. |
Ông Nguyễn Ngọc Cam, Phó Prưởng Phòng Y tế huyện Phú Bình, cho biết: Đến thời điểm này, tất cả các xã, thị trấn bị ngập trên địa bàn huyện đều không phát sinh dịch bệnh. Chỉ có một số trường hợp người dân bị mẩn ngứa tay chân, do đã được tặng túi thuốc gia đình, trong đó có thuốc bôi ngứa nên hầu như không phải đến cơ sở y tế điều trị. Ngay sau khi nước rút, toàn huyện đã đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường và phun thuốc khử khuẩn. Những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh đều được rắc vôi bột và phun hóa chất khử khuẩn, vừa đảm bảo sức khỏe cho người dân, vừa để an toàn phòng dịch khi tái đàn vật nuôi.
Ngày 22-9, Đoàn công tác gồm hơn 90 y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tình nguyện viên, đoàn thiện nguyện đã đến khám sức khỏe cho gần 600 người dân bị ngập ở 2 xã Đào Xá và Nga My, nhằm giúp bà con sớm phát hiện và biết cách điều trị một số bệnh thường gặp sau bão lũ, như da liễu, tai mũi họng... Đoàn cũng tặng nhiều phần quà gồm tiền mặt và thuốc, nhằm góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thuận Thành (TP. Phổ Yên), thông tin: Trên địa bàn có 207 hộ bị ngập. Ngay sau khi nước rút, theo chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi triển khai ngay các biện pháp khử khuẩn để phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh. Theo đó, toàn phường đã phun khử khuẩn tổng diện tích khoảng 64.500m2; cấp 2.700 viên Aquatabs để người dân khử khuẩn nguồn nước…
Các hộ bị ngập được cấp một túi thuốc (gồm thuốc tiêu chảy, cảm cúm, men tiêu hóa, cao sao vàng) để có thể tự xử lý khi gặp một số bệnh thông thường. Tính đến ngày 20-9, toàn bộ công tác khử khuẩn đã được thực hiện xong; tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn ổn định.
Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành Y tế, thì một yếu tố cũng rất quan trọng chính là ý thức phòng bệnh của người dân ngày càng được nâng cao. Các hộ rất tích cực dọn dẹp vệ sinh tại gia đình, khu vực xung quanh và chủ động mua nước đóng bình về để sử dụng.
Tại TP. Thái Nguyên - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão số 3, với 27 xã, phường bị ngập, trong đó có 23 xã, phường bị ngập nặng, ngoài sự vào cuộc tích cực của Trung tâm Y tế thành phố còn có nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện trên địa bàn và một số cơ quan, Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, đơn vị quân đội về vật tư, phương tiện, cùng hàng trăm người tham gia trong nhiều ngày để phun hóa chất khử khuẩn.
Ngoài ra, 33 cán bộ thuộc Sở Y tế Bình Định cũng đã có mặt trong 5 ngày để cùng hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, khử khuẩn tại chỗ cho 6 xã bị ngập nặng; tặng 2.000 túi thuốc gia đình cho các hộ dân trên địa bàn… để kịp thời điều trị một số bệnh thông thường. Tính đến chiều 16-9, trên 21,6 nghìn hộ đã được xử lý phun hóa chất khử khuẩn; tổng diện tích toàn thành phố đã được xử lý phun hóa chất là trên 2,66 triệu m2; 2.200 hộ được xử lý giếng nước…
Đại diện Sở Y tế cho rằng: Nhờ chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó với mưa bão, bao gồm nhân lực, phương tiện, vật tư nên ngành Y tế tỉnh không chỉ cấp cứu, xử lý kịp thời các trường hợp tai nạn, ốm đau trong mưa lũ, mà còn hoàn tất việc phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút trong thời gian ngắn. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh hiện không phát sinh dịch bệnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin