Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 988/4.549 nam, nữ thanh niên được khám và tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, đạt 21,7%. Tuy chưa đạt kế hoạch đề ra (25%) nhưng số nam, nữ thanh niên đi khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân ở Thái Nguyên đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 là 14,3%).
Nam, nữ nên đi khám, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn để có những đứa con khỏe mạnh sau này. |
Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc khám và tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; các cơ sở y tế mở rộng các dịch vụ y tế để người dân dễ dàng tiếp cận với việc khám sức khỏe tiền hôn nhân…
Trên thực tế, khám sức khỏe tiền hôn nhân (khám tổng quát trước khi cưới) là quy trình thăm khám tổng quát, thực hiện những xét nghiệm sàng lọc nhằm đánh giá sức khỏe của cặp đôi sắp cưới. Từ đó giúp phát hiện các bệnh lý, vấn đề sức khỏe, bao gồm những đặc điểm di truyền tiềm ẩn, bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đặc biệt, khám sàng lọc trước hôn nhân cũng có ý nghĩa trong việc giúp phát hiện các rối loạn di truyền, chẳng hạn như bệnh máu khó đông, bệnh Thalassemia, hội chứng Marfan, bệnh Huntington và bệnh hồng cầu hình liềm… có nhiều khả năng những bệnh lý này sẽ được truyền sang con cái. Do đó, cần sàng lọc từ đầu để giảm gánh nặng về các bệnh di truyền.
Đồng thời, thăm khám sàng lọc toàn diện giúp cung cấp những thông tin cần thiết về khả năng sinh sản của mỗi người. Qua đó có thể phát hiện các tình trạng bất thường có nguy cơ làm giảm khả năng thụ thai, tăng các biến chứng thai kỳ. Các vấn đề về khả năng sinh sản có thể được can thiệp sớm mà không gây ra tổn thương không cần thiết về mặt sinh học, tâm lý, xã hội, cảm xúc liên quan đến tình trạng hiếm muộn…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin