Ứng dụng công nghệ số: Tạo đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Hạ Liên 09:03, 16/11/2024

Nhằm cụ thể hóa những mục tiêu trong Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đối số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2030, ngành Y tế đã chủ động tham mưu để HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 157/NQ-HĐND ngày 8/11/2021 về việc thông qua Đề án “Phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”. Đến nay, việc thực hiện Đề án đã đạt những kết quả rất tích cực, nhưng cũng còn nhiều việc cần làm để hoàn thành các mục tiêu đề ra…

Bệnh viện A Thái Nguyên vừa được Hội đồng chuyên môn thẩm định, đánh giá về việc sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử; lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế… Ảnh: C.T.V
Bệnh viện A Thái Nguyên vừa được Hội đồng chuyên môn thẩm định, đánh giá về việc sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử; lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế… Ảnh: C.T.V

Tại buổi làm việc mới đây với Sở Y tế, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành Y tế đạt được, trong đó có việc thực hiện Đề án “Phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025” (viết tắt là Đề án).

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Phát triển bệnh viện số là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững. Ngành Y tế cần tiếp tục nỗ lực để hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tỉnh luôn coi y tế là 1 trong 3 lĩnh vực cần được dành nguồn lực ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân  dân...

Đối với 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, đang có những thế mạnh nhất định, trong đó Bệnh viện A chú trọng hỗ trợ sinh sản; Bệnh viện Gang Thép chú trọng về hồi sức cấp cứu; Bệnh viện C phát triển kỹ thuật ngoại khoa, chấn thương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, các bệnh viện này tiếp tục phát triển theo hướng chuyên sâu, có bản sắc riêng và trở thành 3 mũi nhọn của tỉnh.

Ngoài ra, ngành Y tế cần tiếp tục quan tâm triển khai sổ sức khỏe điện tử rộng khắp để giúp người dân theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân một cách chủ động, tiện lợi, cũng như có thể chia sẻ thông tin với bác sĩ khi cần thiết…

Trở lại với Đề án, mục tiêu xây dựng nền y tế thông minh của tỉnh được thực hiện với 3 trụ cột chính, gồm: phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Đã có 13 mục tiêu cụ thể được đưa ra trong Đề án.

Một trong những mục tiêu đáng chú ý là việc triển khai bệnh án điện tử. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã có 3 bệnh viện trên địa bàn tỉnh thẩm định thành công bệnh án điện tử. Trong cả nước hiện mới có hơn 100 bệnh viện thực hiện được nội dung này.

Tất cả hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đều được lưu trữ và truyền tải liên thông giữa các phòng/khoa tại Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình.
Tất cả hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đều được lưu trữ và truyền tải liên thông giữa các phòng/khoa tại Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình - 1 trong 3 đơn vị hoàn thành bệnh án điện tử: Tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cũng như quản trị bằng ứng dụng chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong giai đoạn 2020-2025. Theo đó, 100% các khoa, phòng của Bệnh viện đều được trang bị hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm kết nối đồng bộ, liên hoàn, các trang thiết bị, hệ thống tiếp đón người bệnh bằng VssID, hệ thống gọi bệnh nhân vào khám, chẩn đoán hình ảnh - và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tự động… Từ đó khắc phục tình trạng phải chờ đợi lâu của bệnh nhân và giảm áp lực cho cán bộ y tế.

Về kết quả chung toàn Ngành trong thực hiện Đề án, đến nay đã thực hiện kết nối dữ liệu khám chữa bệnh, quản lý dân số, hồ sơ sức khỏe điện tử trên hệ thống chung. 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Ngành được đăng tải công khai theo quy định. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đạt 100% hằng năm (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Đáng chú ý, đã có 1.104.222/1.312.156 người dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe (đạt tỷ lệ 84,15%); 26/26 đơn vị trực thuộc Sở Y tế thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi số trong công tác hành chính; 12/17 đơn vị khám chữa bệnh được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ đối với hệ thống thông tin tại đơn vị; 222/222 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đã thực hiện tra cứu thông tin BHYT bằng căn cước, căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng VNeID.

Tính đến đầu tháng 11-2024, đã có gần 2 triệu lượt tra cứu thông tin qua thẻ căn cước, căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng VneID, trong đó 88% lượt tra cứu thành công (số lượt không thành công là do dữ liệu BHYT chưa tích hợp trên thẻ căn cước, quá trình xác thực thẻ căn cước thay thẻ BHYT còn bị lỗi); số lượng thẻ BHYT còn hiệu lực được đồng bộ với thẻ căn cước để khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước đạt trên 1,233 triệu thẻ; 13/13 cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe đối với người lái xe đã liên thông kết quả lên Cổng giám định BHYT. Việc triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ khám, chữa bệnh bước đầu đã có Bệnh viện A thực hiện…

Với phần mềm quản lý, lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên có thể nắm bắt được mọi hoạt động khám, chữa bệnh của các khoa, phòng.
Với phần mềm quản lý, lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên có thể nắm bắt được mọi hoạt động khám, chữa bệnh của các khoa, phòng.

Về công tác quản trị, 100% đơn vị trực thuộc Sở Y tế ứng dụng phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức; 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. 100% trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý theo quy định của Bộ Y tế, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với trục tích hợp và các cổng thông tin Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, Cổng dữ liệu tiêm chủng quốc gia…

Đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ sở y tế tự chủ trên địa bàn hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn lực để đầu tư đồng bộ trang thiết bị và hệ thống phần mềm chuyên dụng. Việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đối với hệ thống thông tin y tế tại các bệnh viện chưa đáp ứng được so với yêu cầu.

Bảo hiểm xã hội tỉnh vẫn chưa chấp nhận thanh toán đối với bệnh án sử dụng dấu vân tay thay thế chữ ký của người bệnh, người nhà người bệnh, khiến việc triển khai bệnh án điện tử của các đơn vị y tế gặp không ít trở ngại. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ khám, chữa bệnh trong một số chuyên ngành còn thiếu căn cứ pháp lý…

Thực tế này rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc bố trí nguồn kinh phí để hoàn thành các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; có chính sách phù hợp của địa phương để thu hút bác sĩ đối với y tế cơ sở; cũng như chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc phối hợp thực hiện các mục tiêu mà Đề án đã đưa ra…