Là bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, bệnh đái tháo đường (tiểu đường) có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định, có thể thiếu hoặc thừa. Tìm hiểu các kiến thức liên quan đến căn bệnh này để từ đó có sự chủ động trong phòng ngừa và điều trị bệnh là việc mà mỗi người dân nên làm.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Phú Lương phối hợp với Trạm Y tế xã Phú Đô khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cho người cao tuổi trên địa bàn xã. Ảnh T.L |
Bà Nguyễn Thị Đường, 80 tuổi, ở xóm Thanh Phong, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng lại không hề biết bản thân đã mắc bệnh đái tháo đường. Chỉ khi thấy người có biểu hiện hay khát nước, tiểu nhiều, có cảm giác thèm ăn đồ ngọt, ăn nhiều tinh bột, mệt mỏi, sút cân, bà đi khám mới biết mình đã mắc bệnh.
Còn chị Nguyễn Thị Chung, ở tổ 7, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), 1 năm trước, khi thấy cơ thể mệt mỏi mới đến bệnh viện khám và được bác sĩ kết luận mắc bệnh đái tháo đường. Thời điểm đó, chị Chung rất lo cho tình trạng bệnh của mình. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ tư vấn, điều trị, chị đã tích cực luyện tập thể thao, có chế độ dinh dưỡng phù hợp và uống thuốc đều đặn, đúng giờ nên kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bị tiểu đường nhưng chỉ đến khi vào viện khám mới biết mình mắc bệnh. Bệnh đái tháo đường đang ngày càng trở nên phổ biến do thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh, không điều độ của một bộ phận người dân.
Bệnh được chia làm 4 type, gồm đái tháo đường type 1, 2, đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường type khác. Tuy nhiên hiện nay, mặc dù nhiều người mắc bệnh đã được lập sổ quản lý ngoại trú nhưng do người bệnh cao tuổi, mắc nhiều bệnh phối hợp, ở một mình, điều kiện chăm sóc không được tốt và sa sút trí tuệ thì việc kiểm soát bệnh rất khó khăn.
Để ngăn ngừa gia tăng người mắc bệnh đái tháo đường, hàng năm, ngành Y tế Thái Nguyên thường tổ chức các đợt khám sàng lọc cho những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Từ đó tư vấn về dinh dưỡng và hỗ trợ người mắc bệnh được quản lý, theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Hiện nay, đa số người mắc bệnh đái tháo đường đang được theo dõi, quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh.
Theo bác sĩ Triệu Thị Tâm, chuyên khám và tư vấn về bệnh tiểu đường tại Phòng khám nội tổng hợp số 538, đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên): Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Để khắc phục và giảm thiểu các biến chứng, người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ về thuốc, chế độ ăn, chế độ luyện tập. Đối với người dân chưa được chẩn đoán đái tháo đường (nhất là người trên 40 tuổi, những người tiền sử đái tháo đường thai kỳ, trong gia đình có người thân mắc bệnh) nên tầm soát định kỳ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin